Sức khỏe

Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng

(TNO) Khác với dự tính của các chuyên gia y tế, đã qua 5 tuần sau khi TP.HCM thực hiện tổng rà soát, tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ, số ca bệnh vẫn gia tăng. Bởi chỉ mới gần 30% trẻ trong diện tiêm bổ sung được tiêm, còn lại, hầu như nhiều trường hợp vẫn chưa tiêm ngừa.


Trẻ bị sởi biến chứng viêm phổi phải thở o-xy - Ảnh: Nguyên Mi 

Bệnh bởi gia tăng không ngừng

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM, số lượng trẻ mắc sởi nhập viện tiếp tục tăng và mở rộng về độ tuổi. Theo đó, số trường hợp biến chứng, chuyển biến nặng cũng tăng.

Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện có hơn 30 bé đang nằm viện điều trị sởi mỗi ngày. Trong đó, 10% các ca bị biến chứng viêm phổi nặng, phải thở o-xy.

Còn bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bệnh nhi nhập viện vì sởi tiếp tục tăng, với hơn 60 bé đang nằm viện tại đây.

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong các phòng bệnh hầu như đều là các bé bệnh sởi. Nhiều bệnh nhi nằm ra cả hành lang. Nhiều bé phải thay nhau thở o-xy do biến chứng viêm phổi.

Không chỉ thế, độ tuổi mắc sởi cũng được mở rộng khi bệnh đã tấn công nhiều trẻ từ 3-10 tuổi. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, năm 2013, 90% số trẻ mắc sởi đều dưới 3 tuổi. Trong khi từ đầu năm đến nay, 90% số trẻ mắc bệnh là dưới 10 tuổi.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận định bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi TP đã triển khai tiêm bù sởi từ 7.3.

Ì ạch tiêm vắc xin sởi

Từ 3.7, TP.HCM bắt đầu thực hiện tiêm vét vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi. Đến nay, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết, toàn thành phố mới chỉ có gần 63% phường xã thực hiện tiêm bù vắc xin sởi cho trẻ.

Số mũi tiêm thực hiện được là hơn 23.000 mũi. Trong đó có hơn 8.600 mũi một và gần 14.500 mũi hai. Như vậy, mới chỉ có chưa đến 30% trẻ trong diện tiêm ngừa được tiêm vắc xin sởi (so với dự kiến của ngành y tế TP.HCM đưa ra khi triển khai chiến dịch là 80.000-100.000 liều).


Bệnh sởi bùng phát từ đầu năm và vẫn không ngừng gia tăng - Ảnh: Nguyên Mi 

Qua đó, bác sĩ Dũng thừa nhận rằng công tác tuyên truyền cho chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi chưa đến được với người dân, nhiều trẻ cần tiêm còn nằm ngoài danh sách thống kê của phường xã.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, số trẻ mới nhập viện hiện giờ hầu như đều cùng tình trạng chưa tiêm ngừa vắc xin sởi. “Không đạt được hiệu quả về số lượng trẻ được tiêm bổ sung vắc xin ngừa sởi, nhiều trẻ đến nay vẫn chưa được tiêm ngừa thì bệnh chỉ có tăng chứ làm sao mà giảm được”, bác sĩ Khanh nhận định.

Chưa kể, nếu ngành y tế không đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa sởi khi bệnh chưa lan rộng thì khi sởi đã mở rộng sang trẻ trên 3 tuổi, “kiểm soát dịch sởi sẽ rất khó khi chỉ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 3 tuổi”, bác sĩ Dũng cho biết.

Trước đó, khi triển khai kế hoạch tiêm ngừa vắc xin sởi, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và các chuyên gia y tế kỳ vọng trong vòng một tháng có thể tiêm hết cho các đối tượng trẻ cần tiêm để kéo giảm số mắc bệnh, khống chế được sởi.

Nguyên Mi

ThanhNien

bệnh sởi, dịch bệnh, tiêm ngừa, vắc xin, Bệnh viện Nhi đồng, Nguyên Mi


© 2021 FAP
  417,310       1/271