PN - Nhiều người đau khổ vì mụn nổi khắp mặt, từ mụn trứng cá, mụn bọc đến mụn cám và cùng tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, gặp thuốc gì, kem gì gắn mác “trị mụn” cũng thử.
Liều lĩnh "trong uống, ngoài thoa"
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem, thuốc trị mụn từ Tây y, Đông y đến kem trộn, thuốc gia truyền. Rất nhiều loại kem, thuốc bôi được giới thiệu qua các trang mạng, người có nhu cầu được giao hàng tận nơi nhưng tuyệt nhiên không có thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, nhiều người vẫn liều dùng với hy vọng hết mụn.
Đơn cử, với một loại kem trị mụn tự chế được chào mời “đánh bay mụn chỉ trong năm ngày”, người bán úp mở công thức của kem gồm nghệ, vitamin, tinh dầu, nhau thai cừu và… bí quyết riêng. Hộp nhựa chừng 10ml chứa hỗn hợp sền sệt màu vàng kem được bán giá 200.000đ. Đáng ngạc nhiên, người bán cho biết chỉ "tình cờ được người bà con là chủ spa hướng dẫn pha chế loại kem này"!
Các trang mạng chuyên bán kem, thuốc trị mụn đang quảng cáo hàng chục loại kem đủ nhãn hiệu, từ hàng Việt Nam đến ngoại nhập Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan... Giá sản phẩm chênh nhau rất nhiều, cùng kích cỡ có loại giá trên hai triệu đồng/hộp, có loại chỉ 35.000 - 80.000đ/hộp, nhiều nhất là mức giá 120.000 - 280.000đ/sản phẩm.
Ngoài ra, có đủ loại sữa rửa mặt, xà bông sát khuẩn trị mụn… Có người nôn nóng kết hợp tất tần tật từ xà bông, sữa rửa mặt đến kem bôi, thuốc uống mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Hậu quả, mụn không những chẳng khỏi mà ngày càng nặng. BS Huỳnh Huy Hoàng - Trưởng khoa Lâm sàng 2, BV Da Liễu TP.HCM, cảnh báo: nhiều bệnh nhân sử dụng kem chứa kháng sinh và corticoid trong thời gian dài, nên càng làm cho tình trạng mụn trầm trọng. Nguy hiểm nhất là tự ý điều trị mụn không đúng cách như nặn mụn rồi bôi kem, dùng thuốc trị mụn trôi nổi, không rõ thành phần, chất lượng, khiến mụn bị viêm nhiễm nặng và để lại sẹo lõm. “Nên đi khám, tư vấn bác sĩ chuyên môn chứ không nên tự ý mua dùng”, BS Hoàng khuyến cáo.
Đông dược “mát gan, giải độc”?
Lại có nhiều bài thuốc “mát gan, giải độc” lý giải nguyên nhân gây mụn do nóng gan. Có bài thuốc hướng dẫn nấu uống nấm linh chi, bồ công anh, nhân trần nam, atisô uống mỗi ngày… nhưng chỉ chung chung, không nêu rõ liều lượng dùng. Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM, mụn có nhiều thể khác nhau, không phải tất cả mụn đều do nóng gan; vì vậy, hướng điều trị từng loại mụn cũng khác nhau. Người bệnh cần được thầy thuốc bắt mạch, kê toa để biết liều dùng phù hợp với thể trạng, nếu dùng quá liều có thể bị choáng váng, xây xẩm, tiêu chảy…
Trong Đông y, tốt cho da có nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết, tư âm giáng hỏa, nhuận huyết… từ mát nhẹ đến mát nhiều, những người hay bị rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu chỉ được dùng liều nhỏ. Những vị thuốc tốt cho da, giúp hạn chế mụn dễ sử dụng là: bồ công anh, kim ngân hoa, cỏ mực, lá dâu, mè đen, củ tâm đại hành… Có thể dùng từ ba-năm nguyên liệu, nấu chung với nhau, uống mỗi ngày như nước, uống liên tục trong 10 ngày, sau đó tiếp tục duy trì với lượng ít hơn.
“Đông dược trị mụn hiệu quả với điều kiện cây thuốc phải được thu hoạch đúng mùa, đúng quy cách; thuốc đúng màu sắc và có vị thơm đặc trưng của từng loại dược liệu. Ví dụ, nhân trần nam chứa tinh dầu, chỉ khi cần dùng mới cắt ra nấu uống để giữ được hàm lượng tinh dầu. Trong khi đó, trên thị trường nhân trần nam được cắt nhỏ ra bán lâu ngày, thành phần tinh dầu không còn thì uống không có tác dụng”, lương y Nghĩa lưu ý.
Nguyễn Cẩm
Da, trị mụn, chăm sóc da