Sổ tay nội trợ

Thưởng thức bánh trăng

PNCN - Mới tháng Bảy âm lịch, phố phường đã nhộn nhịp với những quầy bánh Trung thu sáng trưng, làm lòng người cứ xốn xang về một cái tết đoàn viên.

Nói đến “tết” là nói đến những mâm cỗ với nhiều món ăn đặc trưng. Tết Trung thu là cái tết lớn thứ ba trong năm, trên mâm cỗ trông trăng không thể thiếu bánh Trung thu, biểu tượng của sự viên mãn, đoàn tụ. Bánh Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc, tương truyền đời nhà Đường, sau một đêm thưởng ngoạn, Đường Huyền Tông đã đặt lại tên cho bánh là “Nguyệt Bính” (bánh trăng) cho thêm thi vị, tên ấy được sử dụng đến ngày nay.

Ở Việt Nam, bánh Trung thu có mặt từ lâu. Ngày ấy, nghề làm bánh rất vất vả, mọi khâu chế biến đều là thủ công. Bí quyết làm bánh Trung thu ở Sài Gòn hầu như nằm trong tay những người Việt gốc Hoa với những thương hiệu nổi tiếng như Long Xương, Tân Tân, Đồng Khánh, Tân Hưng Viên, Ái Huê… Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay nghề làm bánh Trung thu không còn là độc quyền của người Hoa, thị trường cũng thêm nhiều thương hiệu, mang phong cách bánh Hoa có Hỷ Lâm Môn, Đại Phát, khẩu vị Việt có Như Lan, Hà Nội, bánh Tây có Brodard, Givral...

Bánh Trung thu có hai loại chính: bánh dẻo và bánh nướng. Làm bánh dẻo ít tốn công hơn bánh nướng, nhân cũng đơn giản hơn, nhưng làm vỏ bánh rất khó. Bột mềm thì bánh ăn ngon nhưng dễ chảy, chưa qua được hai ngày đã rũ xuống không ra hình dạng. Bột bánh cứng trông đẹp mắt, nhưng chỉ để ngắm, vì ăn không ra mùi vị. Ngoài nước đường, khi làm bột bánh dẻo nhất thiết phải có nước cất hoa bưởi mới đúng vị. Ở Hà Nội, mùa Trung thu cũng là mùa cốm, nên bánh dẻo cốm luôn là hương vị khó quên của những người Hà Nội xa nhà.

Nhân bánh nướng phong phú hơn hẳn bánh dẻo. Năm nào thị trường cũng có một vài loại nhân mới để hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng với người kén ăn, kiểu bánh nhân truyền thống như hạt sen, đậu xanh, thập cẩm vẫn ngon nhất. Có lẽ “hương vị” là cái hồn tạo nên sự khác biệt cho bánh Trung thu. Bánh nướng người Hoa có vị ngọt sắc, béo ngậy và thơm vị thảo mộc, đặc biệt là mùi rượu mai quế lộ. Bánh nướng Hà Nội ít béo, nhân bánh thơm mùi vỏ quýt, lá chanh, nhè nhẹ, thoang thoảng, nhưng thấm lòng người.

Mùa Trung thu hay lễ lạt, còn có một loại bánh được ưa chuộng là bánh pía. “Pía” nghĩa là “bánh” theo cách phát âm của người Tiều, có nguồn gốc từ bánh Trung thu kiểu Tô Châu, theo chân người Hoa di cư vào phương Nam từ thế kỷ XVII. Cái nôi làm bánh pía nổi tiếng hiện nay ở Vũng Thơm, xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng với mấy chục lò bánh, trong đó có nhiều thương hiệu lâu đời như Lập Hưng, Tân Huê Viên, Mỹ Trân, Tân Hưng.

Bánh pía đơn giản chỉ là loại bánh nhiều lớp (nên còn được gọi là bánh lột da), nhân bằng đậu xanh hoặc khoai môn với lòng đỏ trứng muối, nhưng để làm được chiếc bánh thơm ngon cũng không phải dễ. Cực công nhất là vỏ bánh, bột mì được gấp và cán mỏng tang thành nhiều lớp, xếp chồng lên nhau. Phần nhân bánh ngoài đậu xanh hoặc khoai môn trộn đường xay nhuyễn, còn có mỡ heo xắt sợi ướp đường cho săn, trong và đặc biệt là sầu riêng thơm ngát.

Bánh pía hấp dẫn người ăn bởi vị tinh nguyên của đậu, của sầu riêng, khi cắn, miếng bánh dẻo mềm, vị thơm béo với độ ngọt vừa phải. Không cần về Sóc Trăng, khách vẫn dễ dàng tìm mua bánh pía ở các đại lý tại TP.HCM như 418/45 Hồng Bàng, Q.11; 331/1 Điện Biên Phủ, Q.3.

Ở TP.HCM còn có một tiệm bánh pía đã lâu đời, kiểu bánh ở đây vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, cũng nhân đậu xanh hay khoai môn với trứng muối nhưng không thêm vị sầu riêng. Đặc biệt, vỏ bánh của tiệm giòn tan, ăn vào cảm nhận rõ vị bột tinh chất, chỉ ăn vỏ thôi cũng đủ ngon. Bánh bán tại địa chỉ 20/123/23 Phạm Đình Hổ, Q.6.

DƯƠNG THẢO

www.phunuonline.com.vn

thưởng thức bánh trăng, bánh trung thu


© 2021 FAP
  46,603       1/467