TTO - Trong tương lai, Cần Giờ đầy triển vọng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia. Định hướng phát triển đến năm 2020 của Cần Giờ là lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn, kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Ngư dân ở ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) phấn khởi sau chuyến đi biển trở về - Ảnh: Ngọc Dương |
Những ngày tháng 4, Sài Gòn nắng như đổ lửa. Qua phà Bình Khánh, đi xuyên qua Rừng Sác về phía huyện Cần Giờ, cái nóng bức dường như dịu bớt. Biển và những dòng sông lớn bao quanh, những khu rừng đước nguyên sinh mang đến cho nơi đây không khí mát dịu trong lành.
Trên mảnh đất mà trước kia từng là chiến khu Rừng Sác đầy ác liệt, cùng với Củ Chi trở thành những chiến khu lừng lẫy - các công trình, nhà cửa, bến đò nhộn nhịp đã mọc lên từ bàn tay lao động của người dân và sự tiếp sức của chính quyền, người dân TP.HCM.
Giàu lên nhờ nuôi yến
Con đường nhỏ dẫn vào ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp còn khá thưa thớt nhà cửa. Có lẽ cũng vì vậy mà năm 2008, nơi đây được huyện Cần Giờ khoanh vùng lại để thí điểm mô hình nuôi chim yến.
Là một trong 10 hộ được chọn thí điểm, ông Phạm Văn Út (55 tuổi) vừa nuôi vừa sơ chế tổ yến, hai năm nay thu nhập của ông đã ổn định ở mức 300 triệu đồng/năm. Ông tự tin khẳng định thu nhập từ nghề này năm sau sẽ càng cao hơn năm trước, vì đàn yến ngày một sinh sôi.
Căn nhà lầu khang trang mới xây, có chiếc xe hơi bảy chỗ đậu phía trước, nhưng cái ông muốn “khoe” nhất lại ở phía sau nhà.
Trên thửa đất gần 5.000m2 này, những cây xoài và cây ăn trái sum sê khác được ông trồng đều tăm tắp cách nhau 4,5m. Ông Út bảo sắp tới, khi được làm du lịch, ông sẽ dựng những nhà lá bên những tán cây này.
Trong số các địa danh ở TP.HCM, hiếm có nơi nào mà lịch sử tên gọi, nhập, tách lại phức tạp như Cần Giờ. Vùng đất này được người Pháp đặt tên là Tổng Cần Giờ từ năm 1872. Trải qua nhiều thay đổi, chỉ tính riêng từ năm 1975 đến nay, Cần Giờ đã lần lượt nằm ở địa giới tỉnh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cuối cùng đến năm 1978 chính thức về với TP.HCM. Tới nay, con đường Rừng Sác trải nhựa cùng hệ thống đường liên xã thẳng thớm đã làm thay đổi bộ mặt vùng quê này. Ở huyện, những công trình khang trang, hoành tráng nhất là các trường học - vốn được xây dựng rất vững chắc để kết hợp làm nhà tránh trú bão. |
“Cách đây 5-6 năm, khi Cần Giờ có đường sá thuận tiện hơn trước, tui đã hình dung đến ngày quê hương mình sẽ thành nơi khách du lịch đi về nườm nượp. Tui trồng sẵn cây, đào ao thả cá, thiết kế cổng rào bố trí sao cho đẹp mắt để chuẩn bị trước” - ông Út hào hứng.
Ông nói mô hình du lịch sinh thái nhà vườn kết hợp tham quan mô hình nuôi yến rất phù hợp. Ông sẽ lắp kính phản quang để khách có thể vào nhà yến trực tiếp xem yến làm tổ, thay vì chỉ xem qua camera.
Nhắc tới chuyện sẽ có tuyến du lịch, đưa khách vào tham quan nhà yến, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (34 tuổi, ở ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp) gửi gắm: “Khi nào huyện làm kế hoạch, người dân chúng tôi muốn được nghe và góp ý trước”.
Ba chị Oanh là ông Nguyễn Văn Kìa năm nay đã 70 tuổi. Ông đen nhẻm, khi cười chỉ còn thấy hai chiếc răng, lúc nào cũng đi chân trần, lọ mọ chẻ củi, dọn dẹp. Rảnh tay, ông đứng nhìn hai nhà yến phía sau vườn.
Lão nông một đời gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rốn, cuối cùng cũng tìm được đúng đường đi. Trước khi biết nuôi yến, cả gia đình ông chịu cực chở ghe nước xuống xã đảo Thạnh An bơm cho người dân kiếm tiền. Rồi nuôi tôm sú, thất bát, lại chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Giờ vẫn còn nuôi ba vuông tôm nhưng chỉ là tăng gia, thêm việc làm.
“Cũng cực lắm chớ, nhưng con cháu có công ăn chuyện mần khỏi sinh tật là tui mừng nhất” - ông Kìa cười móm mém. Từ chỗ bán tổ yến thô với giá thấp, nay nhà ông xây thêm khu sơ chế tổ yến theo mô hình khép kín.
Yến loại đẹp sơ chế, bán giá 30 triệu đồng/kg. Loại 3 thấp nhất bán được 18 triệu đồng/kg. Chị Oanh nói nếu có khách du lịch ghé thường xuyên, họ thấy được quy trình mình làm, bán được nhiều hàng hơn thì mừng quá.
Khu du lịch sinh thái quốc gia
Cần Giờ đến nay đã có 231 nhà nuôi yến, thực tế cho thấy giá trị kinh tế rất cao. Yến Cần Giờ lại có chất lượng tốt vì nguồn thức ăn tự nhiên phong phú từ biển, sông, rừng ngập mặn nguyên sinh kề bên.
Người đã nuôi muốn mở rộng thêm, người chưa nuôi muốn xây nhà yến nhưng lại vướng vì chưa có quy hoạch chính thức vùng nuôi yến.
Theo thông tin từ ông Triệu Đỗ Hồng Phước, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đến nay quy hoạch này đang được TP góp ý lần 2 và sẽ sớm được hoàn chỉnh.
Ông Phước có một cuộc họp quan trọng với Sở Du lịch TP về các dự định phát triển Cần Giờ. Ông hào hứng cho biết: “Huyện đề xuất phát triển du lịch sinh thái với sản phẩm du lịch đặc thù cho từng xã.
Như xã đảo Thạnh An có mô hình du lịch trải nghiệm homestay, trước mắt định hướng người dân làm tốt, sau đó mời gọi đầu tư. Ở Long Hòa sẽ phát triển tuyến du lịch đường sông kết hợp nhà vườn.
Ở Tam Thôn Hiệp là kết hợp với tham quan nuôi yến. Ở Lý Nhơn là trải nghiệm làm muối cùng diêm dân, ở Cần Thạnh sẽ là lễ hội...”.
Ông Phước nói về những ý tưởng, định hướng phát triển du lịch Cần Giờ một cách sôi nổi. Ông Phước 37 tuổi, thành viên chương trình quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ của TP. 11 năm trước, luận văn thạc sĩ của ông khi theo học chương trình này có liên quan đến phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ.
Tâm huyết nghiên cứu một thời tuổi trẻ, nay được mang ra ứng dụng nên ông thật rành rọt và hào hứng: Trong năm 2016 này sẽ làm xong tuyến du lịch đường sông. Trong tương lai, Cần Giờ đầy triển vọng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia.
Định hướng phát triển đến năm 2020 của Cần Giờ là lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn, kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Lượng khách du lịch tới Cần Giờ ngày một tăng, đến năm 2015 đã đón hơn 600.000 lượt. Năm nay, chỉ trong ba ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Cần Giờ đã đón hơn 40.000 khách.
Theo ông Phước, sắp tới huyện sẽ kiến nghị với TP tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch như đường sá, khu nghỉ dưỡng, vệ sinh... Khi người dân làm du lịch, huyện sẽ hỗ trợ người dân vay vốn, tập huấn văn hóa kinh doanh...
Điện lưới quốc gia phải làm thay đổi bộ mặt ấp đảo Đó là ý kiến chỉ đạo và cũng là mong mỏi của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa sau khi tham dự lễ khánh thành đường dây cung cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng (ấp đảo duy nhất của TP), xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ ngày 29-4. Ông Khoa đề nghị địa phương nghiên cứu mô hình làm kinh tế hiệu quả để triển khai cho người dân, đặc biệt là trong khâu sơ chế, tạo công ăn việc làm. Qua đó từng bước làm đời sống người dân khấm khá hơn, thay đổi bộ mặt ấp đảo duy nhất của TP. Hiện trên ấp đảo Thiềng Liềng có hơn 200 hộ dân với hơn 80% làm nghề muối. Thời gian qua, người dân đã được đầu tư hệ thống cấp điện qua tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu thắp sáng trong thời gian nhất định trong ngày. Dự án cấp điện ấp Thiềng Liềng có tổng vốn đầu tư 51 tỉ đồng, gồm 6,6km cáp ngầm trung thế vượt biển, 3km đi nổi qua rừng ngập mặn và 5km đường dây hạ thế, cấp điện qua 4 trạm biến thế (4 x 150kVA) và lắp đặt 200 điện kế. |