Thế giới

Triều Tiên có thể tự hủy tên lửa đạn đạo sau khi phóng

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vụ phóng thử mới nhất có thể bị quân đội nước này chủ động kích nổ vì những mục đích khác nhau.

trieu-tien-tu-huy-ten-lua-vi-ban-nham-sang-nga

Một tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA

Triều Tiên sáng 29/4 phóng thử một quả tên lửa đạn đạo từ địa điểm gần sân bay Pukchang ở tỉnh Nam Pyeongan. Quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa đạt độ cao hơn 70 km và nổ tung chỉ vài phút sau khi được phóng đi rồi rơi xuống khu vực trên đất liền trong lãnh thổ Triều Tiên.

Trong khi nhiều người cho rằng đây là một vụ phóng thất bại nữa của Triều Tiên trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, nhiều giả thuyết khác được đặt ra để lý giải nguyên nhân quả tên lửa được cho là KN-17 này nổ tung chỉ một thời gian ngắn sau khi phóng.

Tờ Seoul Economy Daily của Hàn Quốc ngày 2/5 nhận định Triều Tiên có thể chủ động kích nổ quả tên lửa đạn đạo tầm trung này vì lo ngại nó có thể bay nhầm sang lãnh thổ Nga. Quả tên lửa được cho là bay về phía đông bắc, nơi Triều Tiên có biên giới trên bộ giáp với Nga.

"Nếu tên lửa đạn đạo bay về phía đông bắc này không tự hủy, nó sẽ rơi xuống một bến cảng hoặc một khu vực thuộc lãnh thổ Nga. Đây chính là lý do Triều Tiên chủ động cho tên lửa tự hủy", bài viết trên tờ báo này nhận định.

Seoul Economy Daily cũng dẫn nguồn tin giấu tên cho biết hướng phóng của tên lửa Triều Tiên lần này khác hẳn so với những lần phóng trước. Bình Nhưỡng trước đây thường phóng tên lửa theo hướng 89-90 độ về phía đông, khiến tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản, nhưng lần này góc bắn của quả tên lửa lại là 49 độ, chếch về phía đông bắc.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Nga xác nhận lực lượng phòng không Nga ở khu vực Viễn Đông được đặt trong tình trạng báo động cao, trong khi quân đội cũng tăng cường kiểm soát không phận sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự của National Interest cho rằng giả thuyết Triều Tiên phóng nhầm tên lửa đạn đạo về phía Nga là chưa có căn cứ thuyết phục. Tuy nhiên, họ nhận định rằng quả tên lửa này đã được Triều Tiên ra lệnh tự hủy, chứ không phải phát nổ vì sự cố.

Theo John Schilling, chuyên gia kỹ thuật về chương trình tên lửa của Triều Tiên, việc nước này phóng tên lửa bay qua lãnh thổ từ bờ biển phía tây có thể là hành động cố tình nhằm cho thế giới thấy rằng quả tên lửa có thể rơi xuống vùng biển mà nhóm tàu sân bay tấn công của hải quân Mỹ đang hoạt động.

Tên lửa phóng từ sân bay Pukchang chỉ phát nổ sau khi đạt độ cao tối đa hơn 70 km, cao hơn rất nhiều so với một quả tên lửa gặp sự cố. Các chuyên gia quân sự cho rằng xác suất lỗi kỹ thuật bên trong tên lửa dẫn đến vụ nổ là rất thấp.

"Tầm cao 70 km vượt xa độ cao mà một tên lửa gặp trục trặc có thể đạt tới", Schilling nhấn mạnh.

Korea Times ngày 2/5 dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể đã chủ động kích nổ tên lửa sau khi thử nghiệm một loại vũ khí mới, có thể là công nghệ đầu đạn hạt nhân.

"Chúng tôi tin rằng vụ nổ vừa qua là sự thử nghiệm để phát triển một loại vũ khí hạt nhân khác với các loại vũ khí hiện có của Triều Tiên. Về lý thuyết, Triều Tiên có thể đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn hạt nhân", kênh truyền hình cáp YTN Hàn Quốc dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

tên lửa, Triều Tiên, Nga, bến cảng, Seoul Economy Daily


© 2021 FAP
  2,575,142       2/816