Thế giới

Tên lửa Nga khó đủ sức hạ tiêm kích tàng hình Mỹ ở Syria

Các hệ thống phòng không Nga triển khai ở Syria có thể phát hiện và theo dõi máy bay tàng hình Mỹ nhưng chưa đủ khả năng bắn hạ chúng.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F- 22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F- 22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF.

Quân đội Nga mới đây cảnh báo Mỹ rằng họ có khả năng tiêu diệt các máy bay tàng hình như F-22, F-35 và oanh tạc cơ tàng hình B-2 trên bầu trời Syria bằng các hệ thống tên lửa phòng không Almaz-Antey S-400 và S-300V4 mới được triển khai.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tỏ ra hoài nghi tuyên bố trên, khi cả hai tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ là F-22 và F-35 đều được thiết kế đặc biệt để đối phó các vũ khí phòng không này của Nga, theo National Interest.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng trong khi radar tìm kiếm và theo dõi mục tiêu dải tần thấp trong hệ thống S-400 và S-300V4 có thể phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình chiến thuật như F-22 và F-35, radar kiểm soát hỏa lực dải tần cao C, X và Ku lại khiến chúng không thể khóa mục tiêu các tiêm kích này trừ khi chúng ở khoảng cách rất gần.

Theo chuyên gia này, F-22 và F-35 không được chế tạo để đối phó với radar dải tần thấp. Chỉ có những thiết kế dạng "cánh bay" như B-2 Spirit hoặc B-21 Raider mới có thể loại bỏ được các chi tiết gây ra hiện tượng cộng hưởng sóng radar dải tần thấp và trở nên "vô hình" gần như hoàn toàn.

Điều này có nghĩa là radar hoạt động trên dải tần thấp như các sóng S và L của S-400 và S-300V4 có thể phát hiện và theo dõi F-22 và F-35 của Mỹ hoạt động trên bầu trời Syria.

Tuy nhiên, bản thân các radar tần thấp không thể giúp radar điều khiển hỏa lực bám bắt mục tiêu để dẫn đường cho tên lửa tấn công. Có nhiều biện pháp kỹ thuật đề xuất sử dụng các radar tần thấp cho mục đích này nhưng đến nay chúng vẫn chưa cho thấy tính khả thi.

Việc phát triển radar ngắm mục tiêu sử dụng tần số thấp mới chỉ tồn tại trên lý thuyết và cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể phát triển và sử dụng trong thực tế. S-400 và S-300V4 hiện nay chủ yếu sử dụng sóng radar cao tần C, X và Ku để tăng khả năng bám bắt mục tiêu.

Một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Đây chính là các bước sóng mà tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 được thiết kế tối ưu hóa để đối phó, khiến các hệ thống S-300, S-400 của Nga dù có thể phát hiện các phi cơ này hoạt động trên bầu trời nhưng rất khó có thể bắn hạ ở khoảng cách xa.

Theo một số phi công F-22, các tiêm kích tàng hình của họ đủ khả năng đánh bại bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào hiện nay và trong tương lai của Nga. Tuy nhiên, Mark Gammon, giám đốc quản lý chương trình F/A-18 E/F và EA-18G của Boeing, cảnh báo rằng tên lửa phòng không của Nga đang dần chuyển sang vận hành ở sóng tần số thấp, và ưu thế tàng hình của máy bay Mỹ sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Năng lực giữa S-300, S-400 với tiêm kích tàng hình F-22, F-35 chỉ có thể được kiểm chứng thực tế khi xảy ra đối đầu trên chiến trường. Tuy nhiên, ông Majumdar hy vọng kịch bản đó sẽ không diễn ra, bởi nó sẽ khiến cuộc xung đột nhanh chóng vượt tầm kiểm soát và leo thang.

Duy Sơn

VNExpress

tiêm kích tàng hình, f-22, f-35, s-400


© 2021 FAP
  2,780,238       50/1,125