Thế giới

Những thanh niên Nhật thích ru rú trong nhà

Năm 16 tuổi, Hideto Iwai đóng chặt cửa ở nhà và từ chối ra ngoài suốt 4 năm.

nhung-thanh-nien-nhat-thich-ru-ru-trong-nha

Hikikomori là thuật ngữ chỉ những người thích trốn trong nhà, không muốn mặt đối mặt, giao tiếp với người khác. Ảnh: Zen photo

Iwai, một nhà viết kịch nổi tiếng, thẳng thắn trò chuyện về quá khứ thích ru rú trong nhà của mình. Ông từng cố thể hiện bản thân năm 15 tuổi và thất bại nên mất niềm tin và cứ nghĩ rằng thế giới đã sụp đổ. Vì thế, Iwai tìm chỗ trú ẩn ngay trong nhà mình, theo CNN.

"Tôi chỉ ở trong phòng chơi game, xem phim và thể thao", Iwai nhớ lại. 

Tuần trước, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố bản điều tra cho thấy hiện có hơn 540.000 thanh niên Nhật trong độ tuổi 15 - 39 thích sống ẩn dật.

Những người này được gọi là hikikomori, một thuật ngữ được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dùng để chỉ những người không rời nhà hoặc tiếp xúc với người khác trong thời gian tối thiểu 6 tháng.

"Chúng tôi cho rằng, vấn đề này bắt nguồn từ bệnh tâm lý, bao gồm chứng trầm cảm và lo lắng. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và xã hội cũng đóng vai trò nhất định", Takahiro Kato, giáo sư về Khoa học thần kinh, đại học Kyushu, nhận xét.

Trung tâm hỗ trợ

Khi những người vốn ít giao tiếp xã hội bị đẩy vào môi trường làm việc áp lực cao, họ sẽ bị choáng váng vì sự thay đổi đột ngột này, giáo sư Kato nói.

"Những người này có khả năng hòa nhập kém hơn, và bắt đầu cảm thấy áp lực", ông cho biết. Số lượng hikikomori là nam giới nhiều hơn phụ nữ, bởi xã hội Nhật Bản đặt nhiều trọng trách vào đàn ông hơn.

"Khi thất bại, họ sẽ suy sụp và nảy sinh mong muốn giấu giếm bản thân", ông nói thêm.

Theo ông, cuộc điều tra năm 2016 của Văn phòng Nội các Nhật Bản có nhiều thiếu sót, vì nó không đề cập tới việc có bao nhiêu người trưởng thành trên 39 tuổi là hikikomori.

nhung-thanh-nien-nhat-thich-ru-ru-trong-nha-1

Sự thay đổi đột ngột môi trường làm việc và áp lực khiến nhiều người trở thành hikikomori. Ảnh: Rocketnews. 

Giáo sư Kato đang cộng tác với một trung tâm hỗ trợ hikikomori ở Fukuoka. Trung tâm này điều trị cho mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi và tình trạng, giúp họ tái hòa nhập với xã hội.

Khi còn là thiếu niên, Iwai không có cơ hội tham gia các trung tâm hỗ trợ như trên. Thay vào đó, năm 20 tuổi, Iwai nhận ra chỉ bản thân mới tự giải quyết được vấn đề. Anh bắt đầu liên lạc với bạn bè cũ, bắt đầu ra khỏi nhà vào buổi tối để chơi bóng đá.

"Tôi muốn ra ngoài vào ban đêm vì lúc đó ít người", Iwai nói.

Trường học ảo

Đối với những người chưa dám bước chân ra khỏi nhà, trường học ảo là một lựa chọn tích cực. Các công ty Nhật Bản thành lập trường với hy vọng xác định và phát triển các tài năng cá biệt, cho phép học sinh tự do phát triển theo tốc độ của bản thân trong "ngôi nhà trú ẩn an toàn".

Những ngôi trường ảo cùng các trung tâm hỗ trợ như nơi ông Kato đang hợp tác, bước đầu đạt được thành công nhất định, khi giúp giảm được hơn 150.000 hikikomori kể từ năm 2010 tới nay.

Giáo sư Kato cho hay trường học ảo cho phép những người tham gia vẫn giữ liên lạc với xã hội. Ông lưu ý rằng để hikikomori tái hòa nhập hoàn toàn vào xã hội, họ sẽ phải học cách đối mặt trực tiếp với người khác.

"Hiện vẫn còn nhiều kỳ thị với hikikomori, nhưng nếu chúng ta muốn giúp đỡ họ, chúng ta cần phải xác định đúng nguyên nhân họ trở thành hikikomori, và các tuýp hikikomori khác nhau", ông nói.

Xem thêm: Thế hệ thanh niên không tình dục, không yêu đương ở Nhật

Hồng Hạnh

VNExpress

thanh niên Nhật, hikikomori, giáo sư Takahiro Kato, trung tâm hỗ trợ, trường học ảo


© 2021 FAP
  3,682,008       1/259