Những tiết lộ lấp lửng của Trump về kế hoạch bí mật tiêu diệt nhanh chóng phiến quân IS khiến nhiều người hoài nghi về chính sách đối ngoại của ông.
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CBS |
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã tuyên bố với các cử tri là ông đang nắm trong tay một kế hoạch rất hay, rất thực tế nhằm đánh bại tận gốc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lộng hành ở Iraq và Syria, chỉ có điều ông không thể công khai các chi tiết của chiến lược đó.
Ông Trump đã nhiều lần đề cập đến kế hoạch bí mật này trong hơn một năm qua, quảng bá rằng đó là một chiến lược "hết sức dễ hiểu" và chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả, nhưng ông có nhiều lý do để tránh đề cập quá sâu về nó.
"Tôi không muốn kẻ thù biết được tôi đang làm gì", ông Trump nói với Fox News vào tháng 5/2015, một tháng trước khi bắt đầu tham gia chiến dịch tranh cử. "Tôi sẽ nói về nó vào một lúc nào đấy, nhưng đúng là có phương pháp đánh bại chúng nhanh chóng, hiệu quả và thu được thắng lợi hoàn toàn".
Ông bổ sung thêm rằng kế hoạch đánh bại IS này của ông không giống như những gì "ai đó thường nói", theo Washington Post.
Một tháng sau, trong cuộc phỏng vấn với tờ Des Moines Register, ông lại đưa ra một lý do khác để giải thích cho quyết định không công khai kế hoạch tuyệt mật này, bởi ông lo sợ các đối thủ sẽ đánh cắp ý tưởng đó.
"Vấn đề về chính trị là nếu tôi tiết lộ kế hoạch cho anh bây giờ, những người khác cũng sẽ thốt lên 'Ồ, thật là một ý tưởng tuyệt vời'. Rồi sẽ có 10 ứng viên lao vào sử dụng nó, họ sẽ quên đi nguồn gốc ý tưởng đó từ đâu, từ tôi chứ ai. Tôi có phương pháp hoàn hảo để đánh bại IS, nhưng tôi sẽ không nói đâu", ông Trump nhấn mạnh.
Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại trước các cử tri hồi tháng 4, ông tiếp tục đưa ra lý do tương tự. "Tôi có một thông điệp đơn giản cho IS, ngày tàn của chúng đang đến. Tôi sẽ không nói cho chúng biết kế hoạch đó sẽ diễn ra ở đâu, như thế nào. Là một quốc gia, chúng ta phải đảm bảo tính khó lường".
Ông cho rằng nước Mỹ hiện nay "hoàn toàn dễ đoán" bởi "chúng ta nói ra tất cả mọi thứ". "Mỗi khi điều quân, chúng ta nói với chúng. Chúng ta gửi thứ khác đến, và lại tổ chức họp báo. Chúng ta phải trở nên không thể đoán trước được, ngay từ bây giờ. IS sẽ nhanh chóng tàn đời nếu tôi được bầu làm tổng thống".
Tiết lộ kế hoạch
Theo giới phân tích, những tuyên bố trên của ông Trump dường như nhắm mục tiêu vào chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama nói riêng và đảng Dân chủ nói chung. Quan điểm nhất quán của ông Obama là đánh bại IS một cách từ từ, bằng lực lượng địa phương trên bộ kết hợp với các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Các lực lượng an ninh Iraq chiến đấu chống lại phiến quân IS. Ảnh: IraqiNews |
Ông Obama luôn phản đối các đề xuất đưa bộ binh Mỹ tới Iraq để chiến đấu chống lại IS, bởi ông cho rằng nếu không có giải pháp chính trị toàn diện, các biện pháp quân sự sẽ không thể giải quyết tận gốc hiểm họa từ IS.
Tỷ phú Trump dường như không nhất trí với chiến lược này, và muốn đánh bại IS thật chóng vánh. Trong một bài phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái, ông tuyên bố sẽ "dội bom cho IS tan tành", ám chỉ việc gia tăng áp lực quân sự để tiêu diệt phiến quân.
Dưới sức ép của dư luận về việc làm rõ chính sách đối ngoại của mình, ông Trump rốt cuộc cũng công bố "kế hoạch bí mật" mà ông ấp ủ. "Tôi sẽ triệu tập các vị tướng hàng đầu và đưa cho họ một chỉ đạo đơn giản. Họ sẽ có 30 ngày để đệ trình lên Phòng Bầu dục bản kế hoạch nhằm nhanh chóng đánh bại IS. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác", ông tuyên bố trong bài diễn văn trước những người ủng hộ tại Greenville, bang North Carolina hôm qua.
Theo bình luận viên chính trị Aaron Blake, "kế hoạch tuyệt mật diệt IS" của ông Trump rốt cuộc lại phải dựa vào bản kế hoạch được xây dựng trong vòng một tháng của các tướng lĩnh quân đội. Blake đặt câu hỏi các tướng quân đội này sẽ đệ trình một kế hoạch như thế nào, khi chính ông Trump từng tuyên bố rằng ông "hiểu về IS hơn các vị tướng" trong bài phát biểu ở Iowa hồi tháng 11.
Blake đặt giả thuyết với tuyên bố trên, có vẻ như ông Trump đã quyết định từ bỏ chiến lược bí mật của mình, hay ít nhất là gạt nó sang một bên, để giành ưu tiên cho kế hoạch quân sự của các tướng lĩnh, khi nhận ra rằng các tướng thực ra có hiểu biết về IS nhiều hơn ông. Một khả năng nữa là ông Trump thực ra không hề có một kế hoạch chi tiết nào để đánh bại IS.
Tuyên bố mới nhất của ông Trump về kế hoạch tối mật diệt IS có thể là một minh chứng cho lời công kích của đối thủ từ đảng Dân chủ Hillary Clinton, Blake nhận định. "Bí mật ở đây là ông ta chẳng biết phải làm gì để ngăn chặn IS cả", bà Clinton nói hồi tháng 6.
Xem thêm: Obama lo sợ Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ
Trí Dũng
nhà nước hồi giáo, phiến quân, donald trump, chiến lược quân sự