Thế giới

Nữ nghị sĩ chống lại cuộc chiến ma túy đẫm máu của Tổng thống Philippines

Sau khi lập ủy ban điều tra cuộc chiến ma túy, bà Leila De Lima đã hứng chịu những lời cáo buộc nặng nề từ phía Tổng thống Rodrigo Duterte.

nu-nghi-si-chong-lai-cuoc-chien-ma-tuy-dam-mau-cua-tong-thong-philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và thượng nghị sĩ Leila De Lima. Ảnh: Rappler

Một nữ nghị sĩ Philippines phụ trách cuộc điều tra của đối với chiến dịch trừng phạt tội phạm ma túy đẫm máu do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động đã thề sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình, bất chấp những lời cáo buộc, lăng mạ và đe dọa đến từ nhà lãnh đạo đất nước, theo Reuters.

Nữ nghị sĩ đó là bà Leila De Lima, người đã thành lập một nhóm điều tra thuộc Thượng viện Philippines để xem xét các biện pháp giết người mà Tổng thống Duterte đang áp dụng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở đất nước này. Kể từ khi lên nắm quyền cách đây hai tháng, ông Duterte đã cho phép cảnh sát, dân thường bắn hạ lập tức những người bị nghi buôn bán và sử dụng ma túy mà không cần qua xét xử.

Từ đó đến nay, hơn 1.900 người đã bị bắn chết trong các cuộc đọ súng trên đường phố, trong đó có rất nhiều người bị gắn tấm biển "kẻ bán lẻ ma túy" sau khi bị hạ sát. Các quan chức nhân quyền Liên Hợp Quốc và Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Philippines về tình trạng này, tuy nhiên ông Duterte vẫn tuyên bố sẽ thực hiện cuộc chiến đến cùng, với trung bình 36 người bị bắn chết mỗi ngày.

Nỗi sợ hãi bao trùm

Bà De Lima quyết định lên tiếng sau khi có hàng trăm người bị giết trên phố bởi những nhóm tay súng mặc thường phục bịt kín mặt. Họ cưỡi những chiếc môtô phân khối lớn, nã đạn vào nạn nhân, sau đó rồ ga tẩu thoát.

"Dựa trên các dấu hiệu và lời kể của các nhân chứng, họ thực ra là cảnh sát. Đó có phải là những biệt đội tử thần không? Họ là ai, và đang làm việc theo chỉ đạo của người nào", nữ nghị sĩ này chất vấn.

Theo bà, dù Tổng thống Duterte cam kết rằng chỉ những tên trùm và những kẻ buôn bán ma túy mới bị trừng phạt, trên thực tế hầu hết các nạn nhân bị bắn chết đều là người nghèo. "Nạn nhân bị nhắm đến là những người thấp cổ bé họng, không có khả năng tự vệ và rất nghèo. Công lý ở đâu với những trường hợp bất công như vậy", bà nói.

Với biệt danh "Kẻ trừng phạt", Tổng thống Duterte đã khuyến khích cảnh sát mạnh tay với tội phạm ma túy, và các tổ chức nhân quyền cho rằng chính điều này đã khiến cảnh sát Philippines có cảm giác có thể mạnh tay giết chóc mà không sợ bị trừng phạt. Các luật sư cho hay có nhiều nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết khi đang bị còng tay hoặc trong buồng giam.

Kể từ khi thành lập, ủy ban điều tra của Thượng viện do bà đứng đầu đã tiến hành hai cuộc điều trần để tìm hiểu thực tế những gì đang diễn ra trong cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên, ủy ban này lại không có quyền truy tố hay ra lệnh bắt bất cứ cá nhân nào có liên quan.

De Lima hy vọng các phiên điều trần như vậy sẽ thúc đẩy quá trình thông qua một đạo luật đang tắc ở Quốc hội, trong đó quy định hành vi giết người không qua xét xử là một loại tội phạm đặc biệt sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Bà cũng muốn tăng cường quyền lực cho Ủy ban Nhân quyền (CHR), để cơ quan này có thể điều tra các trường hợp vi phạm.

nu-nghi-si-chong-lai-cuoc-chien-ma-tuy-dam-mau-cua-tong-thong-philippines-1

Một phụ nữ ôm xác chồng bị bắn chết trên đường phố Manila. Ảnh: Reuters

Bà cho rằng CHR và cơ quan điều tra nội bộ của lực lượng cảnh sát quốc gia đang bị quá tải nên không thể làm được gì nhiều, trong khi bầu không khí sợ hãi từ những cuộc giết chóc công khai trên đường phố khiến mọi người không thể nói ra ý kiến của mình. "Chỉ có tổng thống mới chấm dứt được thực tế điên rồ này", bà nhấn mạnh.

Đe dọa

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte lại là người công kích bà De Lima quyết liệt nhất kể từ khi bà mở cuộc điều tra, theo Rappler. Cuối tuần trước, ông cáo buộc nữ nghị sĩ này nhận hối lộ từ các trùm ma túy, khi công bố một danh sách những cá nhân liên quan đến đường dây ma túy tại nhà tù Tân Bilibid. Trong danh sách này, thượng nghị sĩ De Lima và cựu thống đốc Amado Espino Jr. là hai người xuất hiện đầu tiên.

Ông còn tìm cách công kích cá nhân bà De Lima, khi cáo buộc bà "vô đạo đức" và có quan hệ tình cảm ngoài luồng với tài xế, làm "mất mặt phụ nữ". "Bà ấy sẽ nói gì với phụ nữ cả nước, hãy noi gương tôi ư? Hãy từ chức đi. Nếu tôi là De Lima, thưa quý vị, tôi sẽ treo cổ tự tử", ông Duterte nói trong bài diễn văn hôm 29/8 tại thành phố Tacloban.

Bất chấp những lời đe dọa đó, bà De Lima khẳng định không bận tâm đến sự sống chết của mình, bởi nếu có chuyện gì xảy ra với bà, mọi người đều rõ thủ phạm là ai. Tuy nhiên, người thân của bà lại tỏ ra lo lắng hơn bao giờ hết.

"Nhiều bạn bè thân thiết và thành viên gia đình cầu xin tôi dừng lại, im lặng và từ chức để được yên thân. Nhưng tôi không thể làm vậy", thượng nghị sĩ 57 tuổi khẳng định.

"Những gì họ đang làm với tôi còn tồi tệ hơn cái chết. Danh dự, đặc biệt là phẩm giá phụ nữ, và danh tiếng của tôi đang bị họ hủy hoại", bà nói và phủ nhận tất cả những cáo buộc mà ông Duterte đưa ra đối với bà.

Nhiều quan chức chính phủ và thành viên Quốc hội Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết đối với bà De Lima trước những áp lực từ phía Tổng thống. Một trong những người nổi bật nhất là thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, người tuyên bố trên Facebook rằng những lời cáo buộc của ông Duterte với bà De Lima là "kiểu chính trị cảm tính", thể hiện "thái độ thù ghét phụ nữ".

nu-nghi-si-chong-lai-cuoc-chien-ma-tuy-dam-mau-cua-tong-thong-philippines-2

Cảnh sát Philippines được lệnh bắn chết nghi phạm ma túy không qua xét xử. Ảnh: SCMP

"Tổng thống Duterte đã dùng những lời lẽ công kích cá nhân thay cho tranh luận thực sự, và dùng định kiến áp đặt cho tranh luận. Tuyên bố của ông xa rời cam kết minh bạch của chính phủ, trong khi một trong những cách tốt nhất để theo đuổi sự thật là thông qua tranh luận dựa trên sự thật", bà Hontiveros viết.

Nhiều quan chức khác cũng gọi lời cáo buộc của ông Duterte đối với nữ nghị sĩ De Lima là "không phù hợp", đồng thời kêu gọi Tổng thống tôn trọng "sự độc lập của Thượng viện và bà De Lima trong cuộc điều tra".

"Tôi sát cánh với những người phụ nữ mạnh mẽ đang làm hết sức có thể để xã hội chúng ta trở nên sáng suốt và nhân đạo hơn. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không nản lòng bởi những lời xúc phạm vốn chỉ nhằm để bôi nhọ chúng ta", nghị sĩ Arlene Bagao lên tiếng.

Xem thêm: Tranh cãi về chiến dịch truy sát tội phạm ma túy ở Philippines

Trí Dũng

VNExpress

Philippines, tội phạm ma túy, cuộc chiến chống ma túy, rodrigo duterte, tổng thống philippines


© 2021 FAP
  3,682,175       1/259