Quân đội Anh từng lên kế hoạch chi tiết nhằm sản xuất một tàu sân bay bằng băng cỡ lớn có thể chống lại được các cuộc tấn công bằng ngư lôi của phát xít Đức.
Mô hình siêu hạm Habbakuk của Anh. Đồ họa: acidpotion.com |
Thời gian đầu Thế chiến II, sau nhiều lần hứng chịu thiệt hại do tàu ngầm và tàu chiến phát xít Đức gây ra, Anh tìm cách đóng một chiến hạm với mục tiêu khắc chế được ngư lôi hoặc có thể chịu được đòn tấn công mạnh mà không bị chìm, theo History.
Do tình trạng khan hiếm thép và nhôm, nhà khoa học Anh Geofrey Pyke đã đề xuất dự án Habbakuk nhằm xây dựng một siêu tàu sân bay dài hơn 609 m, rộng hơn 91 m và nặng 2 triệu tấn từ một vật liệu đặc biệt có sẵn trong tự nhiên là băng.
Theo Pyke, ưu điểm của băng là sử dụng được trong thời gian tương đối lâu, có thể nổi trên mặt nước và tiện sửa chữa nếu bị hư hại.
Siêu hạm này cũng được trang bị 40 pháo nòng kép và các pháo phòng không, một đường băng dài có thể chứa tới 150 chiến đấu cơ hoặc oanh tạc cơ hai động cơ.
Năm 1942, Pyke đã trình thiết kế tàu Habbakuk cho Thủ tướng Anh Winston Churchill kèm khuyến nghị nên coi việc đóng siêu hạm này là ưu tiên cao nhất.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm, các kỹ sư Anh nhận thấy các tảng băng không đạt độ cứng như trong ý tưởng của Pyke. Phần vỏ tàu làm từ băng có thể dễ dàng bị vỡ chỉ bằng một cái búa. Do vậy, dự án này tạm thời bị đình chỉ.
Một năm sau, một công ty đa ngành ở New York đã đưa ra một giải pháp đầy hứa hẹn để làm thân tàu bằng cách thêm hợp chất cellulose như mùn cưa, dăm gỗ và vụn giấy vào nước và đóng băng chúng. Không chỉ cứng hơn nước nguyên chất đóng băng, nó còn chậm tan chảy và có độ nổi tốt hơn. Pyke có thể dễ dàng cắt và ghép tạo hình cho tàu.
Lúc này có một vấn đề mới phát sinh là quá trình tan chảy và tái đóng băng khiến cấu trúc tàu bị cong vênh. Để khắc phục, phần nổi của tàu được phủ lớp cách nhiệt cũng như một thiết bị đông lạnh và một hệ thống ống dẫn.
Nhà khoa học Anh Geofrey Pyke và gia đình. Ảnh: History |
Để kiểm tra tính khả thi, một phiên bản tàu Habakkuk thu nhỏ đã được đóng ở Alberta và đưa đến hồ Patricia của Canada để thử khả năng cách nhiệt, tái làm lạnh và chống chịu pháo kích.
Nguyên mẫu này dài hơn 18 m, rộng 9 m, nặng 1000 tấn và được duy trì đông lạnh nhờ một động cơ một mã lực, đủ để giúp nó không bị tan chảy trong thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Trong bài thử nghiệm sức công phá của đạn pháo, một quả ngư lôi bắn trực tiếp vào tàu chỉ xuyên phá được hơn 3 m, không đáng kể so với kích cỡ tàu như đề xuất. Bởi vậy nó gần như không bị ngư lôi phá hủy. Ngoài ra, tàu này có thể sửa chữa nhanh chóng ngay trên biển.
Dù vậy, việc đóng tàu với kích cỡ thực lại không khả thi. Chi phí đóng tàu Habakkuk khi ấy khoảng 2,5 triệu USD (khoảng 32 triệu USD hiện nay) được cho là quá đắt đỏ.
Trong khi đó, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như bánh lái của tàu phải lớn và phải được lắp vào một cấu trúc chống chịu được đòn tấn công của địch.
Ngoài ra, các nhà máy giấy ở Anh dù có làm việc hết công suất cũng khó có thể cung cấp đủ lượng bột gỗ cần thiết để chế tạo tàu sân bay bằng băng. Dù không tốn nhiều thép như các tàu khác nhưng số ống thép cần để gia cố cấu trúc của tàu Habbakuk cũng đủ làm cạn kiệt nguồn dự trữ dành để đóng các tàu chiến thông thường đã trải qua thực chiến khác.
Tốc độ tối đa chỉ 11-12 km/h của tàu được cho là quá chậm, dù phần cấu trúc chính của nó chịu được sức công phá của ngư lôi.
Ngoài những vấn đề nêu trên, trong giai đoạn lập kế hoạch đóng siêu hạm này, tầm hoạt động của máy bay đã tăng lên đáng kể, khiến dự án Habbakuk bị hủy bỏ.
Dù kế hoạch đóng siêu hạm Habakkuk chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng nguyên mẫu của nó có độ bền đáng ngạc nhiên. Trải qua ba mùa hè nóng bức, phiên bản thu nhỏ để thử nghiệm của nó mới tan chảy hoàn toàn.
Xem thêm: Quốc gia nào sở hữu tàu sân bay.
Duy Sơn
Habbakuk, tàu sân bay, băng, Geofrey Pyke