Thế giới

Mạng lưới buôn tiền quyết định sinh tử ở Syria

Những người Syria ở nước ngoài đang phải sử dụng một mạng lưới giao dịch không chính thống, chủ yếu dựa trên lòng tin, để có thể chuyển tiền về quê giúp đỡ gia đình.

mang-luoi-buon-tien-quyet-dinh-sinh-tu-o-syria

Người dân Syria ở nước ngoài muốn chuyển tiền về các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng ở quê hương phải sử dụng một mạng lưới giao dịch không chính thống nhưng có ý nghĩa sống còn. Ảnh minh họa: CBS

Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia vang lên giọng nói run rẩy của người em trai mà Yusuf đã lâu lắm không được nghe. Cuộc gọi xuất phát từ Syria. Kinh tế gia đình đang khó khăn nhưng Western Union không nhận chuyển tiền tới Raqqa, trung tâm đầu não của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, cũng như thành phố gần nhất với ngôi làng mà cha mẹ cùng anh chị em Yusuf đang sống.

Là một lính đào ngũ khỏi lực lượng quân đội Syria, Yusuf phải dùng tên giả vì lý do an toàn. Anh chạy trốn tới thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, hai năm trước, và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Hàng tháng, Yusuf gửi về nhà ít nhất 500 USD. Anh sử dụng dịch vụ của những người chuyên kinh doanh, trao đổi tiền tệ thông qua các ứng dụng trò chuyện kiểu như WhatsApp. Những giao dịch này chủ yếu chỉ dựa trên lòng tin, theo Aljazeera.

"Hiện nay, bạn khó lòng tìm thấy một gia đình nào ở Syria mà không có vài người thân ở nước ngoài chuyển tiền về", Yusuf cho hay.

Sau 5 năm nội chiến, dân chúng Syria đang lâm vào cảnh cùng cực và kiều hối là dòng huyết mạch quan trọng giúp họ sinh tồn. Nhưng bên ngoài các khu vực do chính phủ kiểm soát, dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền chính thống đều đã bị đóng cửa.

Hầu hết mọi người, từ dân tị nạn cho đến các tổ chức phi chính phủ tại Syria, đều đang dùng một mạng lưới có từ hàng trăm năm nay mang tên gọi hawala để chuyển tiền. Thông qua các đầu mối ở hai bên đường biên giới, tiền sẽ nhanh chóng được chuyển tới các vùng đất do quân nổi dậy chiếm giữ, thậm chí cả những thành phố bị bao vây.

Em trai Yusuf, 20 tuổi, hiện là người lo liệu chính cho gia đình và vẫn canh tác trên thửa đất của nhà. Nhưng giá hạt giống và dầu diesel tăng vọt khiến họ không thể xoay xở. Nếu không có tiền do Yusuf gửi về, cả nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại.

"Tôi lo cho em trai mình lắm. Nó vẫn còn trẻ và IS thì đang tìm mọi cách để lôi kéo thành viên", Yusuf chia sẻ. "Nó sợ phải sống ở đó nhưng cũng bận tâm chuyện gia đình".

Tiền chuyển đến Raqqa phải qua tay nhiều đầu mối ở các khu vực do nhiều nhóm vũ trang khác nhau kiểm soát. Yusuf mất khoảng 20 USD tiền phí cho mỗi lần giao dịch.

Mới đây, các đầu mối hawala ở Ankara nói với Yusuf rằng họ chỉ có thể chuyển tiền tới những vùng đất do lực lượng đối lập chiếm đóng. Không biết phải làm sao, Yusuf cầu cứu một người bạn ở thành phố Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, nằm đối diện Raqqa. Đêm hôm ấy, bạn của Yusuf tới một cửa hàng trang sức địa phương với 400 USD trong tay.

Người giao dịch tính một khoản phí nhỏ sau đấy gửi tin nhắn WhatsApp với nội dung chứa tên người nhận và số tiền. Sáng hôm sau, em trai Yusuf chỉ việc lái xe tới Raqqa và nhận tiền về.

"Đi tới Raqqa khá nguy hiểm nhưng đây là cách duy nhất", Yusuf cho hay.

Theo một bác sĩ nhi khoa giấu tên làm việc tại một bệnh viện ở tỉnh Idlib, Syria, việc chuyển tiền tới những nơi do lực lượng đối lập nắm giữ thực sự là vấn đề sinh tử.

"Đưa tiền vào Syria là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn bởi những vấn đề về an ninh nhưng bạn không thể không làm", ông này nói. "Chúng tôi cần mua dầu để chạy máy phát, nếu không bệnh viện buộc phải ngừng hoạt động".

Yusuf cho biết ở ngôi làng nơi gia đình anh đang sinh sống, việc làm là thứ xa xỉ. Trong khi đó, chiến đấu cho các nhóm vũ trang lại đem về nguồn thu nhập khá tốt. Theo kết quả từ một cuộc điều tra do tổ chức Cảnh báo Quốc tế (International Alert) thực hiện, những tay súng chiến đấu cho Mặt trận al-Nusra, nhóm phiến quân thề trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda, được trả từ 300 đến 400 USD mỗi tháng.

Theo ông Rami Sharrack từ Diễn đàn Kinh tế Syria, với hàng triệu người tị nạn trên khắp thế giới có nhu cầu chuyển tiền về quê hương, hệ thống hawala đang bùng nổ. Chính cháu trai Sharrack hồi năm ngoái cũng chuyển 2.000 USD từ Anh về cho cha ở Syria.

Một văn phòng hawala ở thành phố Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo một ngày giao dịch hơn 150.000 USD. Các tổ chức nhân đạo và truyền thông trả lương cho nhân viên ở Syria thông qua họ.

Mohammad Fareed, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử từ một trường đại học ở Aleppo, hai năm trước trốn chạy khỏi Syria và hiện làm kế toán cho công ty trên.

"Lượng tiền gửi về hỗ trợ gia đình khá nhỏ", Fareed cho hay. Anh lo rằng phần lớn số tiền mà hệ thống hawala luân chuyển sẽ đến tay các nhóm vũ trang. Nhưng công ty của Fareed không chuyển tiền tới những khu vực do IS chiếm đóng.

Do lạm phát, tiền chủ yếu là USD, bất chấp việc ngoại tệ bị cấm sử dụng tại các vùng đất do chính quyền quản lý.

"Công việc khó khăn hơn cả ở các thành phố của Tổng thống Bashar al-Assad", Fareed nói. "Sẽ là vấn đề lớn nếu họ thấy USD trong tay một người dân Syria".

Fareed hàng tháng đều chuyển tiền cho người bác ở Aleppo. Tuy nhiên, một số địa điểm tại thành phố bị vây hãm này rất khó tiếp cận, ngay cả đối với các đầu mối hawala. Nhiều nhà giao dịch độc lập ở Aleppo bắt đầu tính phí hoa hồng lên đến 5% nhưng đó là cách duy nhất để chuyển tiền.

"Chúng tôi buộc phải gửi", Fareed giãi bày. "Để hỗ trợ gia đình và mọi người. Nó rất quan trọng".

Xem thêm: Đạo quân tình báo đánh thuê cho Mỹ trên chiến trường Syria

VNExpress

Syria, mạng lưới, buôn tiền, Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ, Raqqa, IS, Nhà nước Hồi giáo


© 2021 FAP
  3,683,020       4/869