Thế giới

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc: 'Tránh để cảm xúc lấn át lý trí trong vấn đề Biển Đông'

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho biết trong vấn đề Biển Đông hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng cần tránh để cảm xúc lấn át lý trí.

dai-su-viet-nam-tai-trung-quoc-

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi. Ảnh: Giang Huy

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi trao đổi riêng với VnExpress về bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 về hợp tác song phương và những bất đồng giữa hai bên.

- Là đại diện của Việt Nam ở một địa bàn được đánh giá là phức tạp, ông gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về thể chế nên có thêm trao đổi qua kênh Đảng, nhờ đó tiếp xúc có thể đa dạng hơn. Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo và người dân Trung Quốc lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ quan hệ hai nước tốt đẹp cách đây vài chục năm và đến giờ họ vẫn duy trì tình cảm đó. 

Về khó khăn, hiện hai nước vẫn còn tồn tại những khác biệt, nhất là trong tranh chấp Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau về chủ trương và lập trường trong vấn đề này nên trao đổi còn rất nhiều trở ngại. Trong khi Việt Nam kiên trì lập trường của mình, Trung Quốc cũng kiên trì lập trường của họ. 

Chúng tôi hiểu rõ tình hình nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân trong nước, có những vấn đề người dân đòi hỏi rất chính đáng. Tuy nhiên trong đối ngoại chúng ta cần nhìn nhận tránh để cảm xúc lấn át lý trí. Việc giải quyết khác biệt là một quá trình lâu dài. Tôi tin rằng Việt Nam và Trung Quốc trên cơ sở giải quyết biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, chỉ cần hai bên kiên trì dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), tuân theo Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc (ký năm 2011), kiên trì thông qua đàm phán thì có thể giải quyết được.

- Những ưu tiên của Đại sứ từ khi nhận vai trò này cách đây hơn 6 tháng?

- Tôi chủ động tiếp xúc với các lãnh đạo bộ ngành của Trung Quốc, nhất là Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan đến kinh tế, Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Trung Quốc. Đây là những kênh quan trọng vì chính sách của Trung Quốc bao giờ cũng hình thành từ cấp này đưa lên. Việc tăng cường tiếp xúc nhằm mục tiêu để Trung Quốc hiểu rõ đường lối chủ trương của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của chúng ta là hoà bình, độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá.

Trung Quốc là một nước lớn nên tầm quan tâm của họ là ở quy mô toàn cầu, có thể nói ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là với Mỹ và các nước lớn, sau đó là các nước láng giềng. Trong đó Việt Nam là một ưu tiên trong Đông Nam Á. Vai trò tiếp xúc của đại sứ cũng thể hiện mức độ như vậy.

- Ông đánh giá thế nào việc dư luận Trung Quốc thể hiện thái độ tiêu cực với Việt Nam thời gian qua?

- Báo chí Trung Quốc đúng là có đánh giá thiên lệch, đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí với lời lẽ kích động tinh thần chủ nghĩa. Xu hướng này có thể ngày càng tiêu cực nếu chúng ta không trao đổi với họ.

Trong số các tờ báo của Trung Quốc, Global Times là một tờ khiến người Việt Nam có ấn tượng là đưa tin không tốt. Tôi đã có dịp gặp tổng biên tập tờ báo này, cùng các lãnh đạo các cơ quan truyền thông lớn khác như Xinhua, People's Daily, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc. Tôi cũng có các cuộc gặp gỡ thường kỳ với báo chí Trung Quốc để chia sẻ thông tin về Việt Nam, nói rõ mong muốn của Việt Nam về tăng cường hiểu biết giữa hai bên.

Vấn đề chủ quyền, biên giới lãnh thổ, báo chí thể hiện lập trường của một quốc gia, nhưng việc khiến cho người dân hai bên ngày càng nghi kỵ lẫn nhau thì rất nguy hiểm. Hai bên đã nói rõ rồi, nếu có sự tin cậy lẫn nhau thì trao đổi rất dễ, ngược lại sẽ rất khó thảo luận. Tôi cho rằng dù có chủ trương, chính sách đúng đắn đến đâu mà không được người dân tin tưởng thì không thể triển khai, điều này phía Trung Quốc cũng đồng tình như vậy.

- Sau phán quyết của Toà trọng tài Phụ lục VII Công ước luật biển 1982 về vụ kiện Philippines, vấn đề đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông đã được nêu ra nhiều. Quan điểm của ông thế nào?

- Thực ra Việt Nam và Trung Quốc từ trước đến nay luôn duy trì các kênh trao đổi và đàm phán về Biển Đông. Các lãnh đạo cấp cao Việt Nam khi đi thăm Trung Quốc đều trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Trung Quốc. Hai nước cũng có đoàn đàm phán cấp chính phủ và cấp chuyên viên. Tôi muốn khẳng định rằng lập trường của Việt Nam là nhất quán, kể cả sau phán quyết của Toà trọng tài, chúng ta vẫn kiên trì giải quyết khác biệt thông qua đàm phán, luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới.

Đây là vụ kiện của Philippines và Việt Nam có lợi ích liên quan, chúng ta đang nghiên cứu kỹ phán quyết này.

- Việc Trung Quốc sẽ mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng được người dân rất quan tâm. Cơ quan ngoại giao này có vai trò thế nào trong hợp tác hai bên?

-  Việc mở tổng lãnh sự quán của một nước ở một nước khác bao giờ cũng có tính toán kỹ của hai bên, cân nhắc xem nhằm mục đích gì. Về phía Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố thuộc trung ương, là trung tâm kinh tế lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hà Nội và TP HCM. Hiện ở đây có tổng lãnh sự quán của Nga và Lào. Việc mở thêm cơ quan đại diện của Trung Quốc tạo điều kiện để thành phố này hội nhập sâu hơn vào tình hình quốc tế, nâng cao vị thế trong phát triển. 

Trung Quốc cũng phải tính kỹ về vai trò, vị trí của tổng lãnh sự quán mới vì việc này đi kèm nhiều chi phí. Nó phải thiết thực.

Về tiến độ thì hai bên vẫn trong quá trình chuẩn bị, quan trọng là hai bên đã nhất trí với nhau về thủ tục. Việt Nam đã có 5 tổng lãnh sự quán ở Trung Quốc, họ lập thêm ở Đà Nẵng là đối đẳng theo thông lệ quốc tế. Cơ quan này sẽ giúp tăng giao lưu, hợp tác và giúp giải quyết những tồn tại giữa hai bên.

- Đánh giá của Đại sứ về xu hướng hợp tác giữa hai nước? 

- Chắc chắn hai nước đều có nhu cầu tăng hợp tác, bởi là láng giềng của nhau thì không thể không hợp tác. Điều quan trọng nhất là chúng ta phát triển quan hệ cùng có lợi. Trong đàm phán tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là một trong những nước kiên trì nhất quan điểm, lập trường của mình. Trung Quốc cũng hiểu rõ điều đó. Chúng ta cũng rất thiện chí thông qua đàm phán để giải quyết khác biệt. Để làm được điều này thì sự đồng thuận trong nước là điều rất quan trọng, nếu không có đồng thuận thì rất khó khăn, dù vấn đề lớn hay nhỏ.

Về hợp tác kinh tế, tôi cho rằng hai nước cần thể hiện để người dân cảm nhận rõ lợi ích của hai bên, cần tránh đầu tư kém chất lượng hay triển khai chậm. Thời gian gần đây, tình trạng nhập siêu của Việt Nam đã được cải thiện, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã vượt Malaysia trở thành đối tác thương mại số một của Trung Quốc trong ASEAN. Tốc độ xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng tăng nhanh hơn nhập khẩu.

Xem thêm GS Thayer: Trung Quốc đang tăng hăm dọa sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Việt Anh

VNExpress

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Tổng lãnh sự quán, Đà Nẵng, Biển Đông, luật pháp quốc tế


© 2021 FAP
  3,686,884       3/1,292