Thế giới

Trải thảm đón Suu Kyi, Trung Quốc muốn níu chân Myanmar

Sự tiếp đón trọng thị Trung Quốc dành cho cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi nhằm mục đích tránh để quốc gia này trượt khỏi tầm ảnh hưởng.

trung-quoc-loi-keo-myanmar

Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanamar Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/8. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào 17-21/8, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi đã được giới lãnh đạo Bắc Kinh tiếp đón rất trịnh trọng với nghi lễ cấp cao cùng những lời hứa hẹn về tiến trình hòa giải dân tộc và phát triển kinh tế đầy hấp dẫn, theo Le Figaro.

Giới phân tích cho rằng sở dĩ  Trung Quốc, quốc gia vốn từ lâu ủng hộ chính quyền quân sự và không mấy mặn mà với "Quý bà" Myanmar, nay lại tỏ thái độ hồ hởi với bà Suu Kyi trong các vấn đề phát triển kinh tế và hòa giải dân tộc, bởi Bắc Kinh hy vọng nhận được sự "báo đáp" về mặt ngoại giao, tranh thủ thời cơ để lôi kéo Myanmar vào vòng ảnh hưởng.

Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức đứng đầu 4 bộ ở Myanmar, mục tiêu chính của bà Suu Kyi là chấm dứt 70 năm nội chiến với các nhóm sắc tộc thiểu số, muốn có quyền tự trị lớn hơn.

Để thể hiện sự ủng hộ với "Quý bà" Myanmar, Bắc Kinh chuẩn bị một món quà để bà mang về quê nhà với lời nhắn nhủ rằng Trung Quốc luôn mong muốn họ là người bạn tốt nhất của Myanmar. Món quà là một bức thư có chữ ký của ba nhóm sắc tộc nổi dậy ngoan cố, vốn được trang bị đầy đủ vũ khí và có quan hệ với Trung Quốc, trong đó tuyên bố ý định tham gia hội nghị hòa bình mà bà Suu Kyi sẽ tổ chức trong tháng 8 này.

Tuy nhiên, bình luận viên Jane Perlez của NY Times nhận định khi thúc đẩy các nhóm sắc tộc ở Myanmar tham gia đàm phán hòa bình, Trung Quốc không hành động hoàn toàn vì lòng vị tha.

Sau nhiều năm khuyến khích và chống lưng cho các nhóm vũ trang, Trung Quốc hiện rất muốn kết thúc cuộc giao tranh kéo dài này. Tình trạng thiếu vắng luật pháp gây ra bởi cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu ngọc bích và gỗ trái phép, trị giá hàng tỷ USD, sang nước láng giềng ngày một phát triển.

trung-quoc-loi-keo-myanmar-1

Tuyến ống dẫn dầu và khí đốt được Trung Quốc xây dựng xuyên qua Myanmar thông ra vịnh Bengal. Đồ họa: Reuters

Một khi hòa bình trở lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố ảnh hưởng tại Myanmar bằng cách xây dựng các tuyến đường bộ và xe lửa qua miền bắc nước này tới Vịnh Bengal. Tuyến đường cùng với các đường ống dẫn dầu và khí đốt vừa được xây dựng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại của Trung Quốc từ Trung Đông mà không phải đi qua Biển Đông.

Chuyên gia Yun Sun thuộc trung tâm nghiên cứu Centre Stimson tại Washington nhận định việc Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào Myanmar để xây dựng lưới điện quốc gia và cơ sở hạ tầng, tăng cường sự gắn kết giữa hai nước về chính trị và kinh tế, là nhằm đưa quan hệ hai nước xích lại gần nhau, đưa Myanmar vào trong mạng lưới kinh tế khu vực của Trung Quốc.

Bà Yun Sun cũng cảnh báo sự hỗ trợ của Trung Quốc luôn có giá đi kèm. Dự án xây đập thủy điện Myitsone đang bị bế tắc ở Myanmar và sự ủng hộ về mặt ngoại giao chiến lược từ Myanmar có thể đều là những thứ mà Trung Quốc đang mong muốn Myanmar "đền đáp".

Bên cạnh đó, Trung Quốc không phải là nước duy nhất có các kế hoạch thúc đẩy quan hệ và đầu tư mới với Myamar. 

Mỹ cũng được cho là góp phần vào cuộc tổng tuyển cử thành công hồi tháng 11/2015 vừa qua, khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi giành chiến thắng lớn. Bà Suu Kyi có kế hoạch tới thăm Nhà Trắng trong tháng 9 tới, như lời khẳng định vai trò của Tổng thống Obama trong sự thay đổi từ chế độ chuyên chế sang nền dân chủ non trẻ ở Myanmar.

"Về phía Trung Quốc, duy trì quan hệ tốt với chính quyền dân sự Myanmar là chiến thuật thủ thế trong bối cảnh bị cạnh tranh gay gắt. Bắc Kinh không muốn một siêu cường Mỹ tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia này", chuyên gia Yun Sun nhận định.

Xem thêm: Trung Quốc xoay sở khôi phục vị thế ở Myanmar.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

Aung San Suu Kyi, Trung Quốc, Jane Perlez, hòa giải dân tộc


© 2021 FAP
  3,693,271       15/600