Thế giới

Tổng bí thư: 'Cần tăng dự báo quan hệ giữa các nước lớn để tránh bị động'

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngành ngoại giao tăng cường công tác dự báo để không bị bất ngờ trước những diễn biến mới.

tong-bi-thu-can-tang-du-bao-quan-he-giua-cac-nuoc-lon-de-tranh-bi-dong

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị sáng nay. Ảnh: Giang Huy

"Việt Nam cần làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nước ta", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sáng nay ở Hà Nội.

Theo Tổng bí thư, mặc dù hoà bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn trên thế giới, nhưng tình hình chính trị, an ninh đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Các cuộc xung đột vũ trang, các hoạt động can thiệp, lật đổ, các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng có những thay đổi rất phức tạp, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn. 

"Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động. Ngành ngoại giao cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài", Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư lưu ý trong thế giới liên kết, toàn cầu hoá hiện nay, đối ngoại quốc phòng - an ninh cũng có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Việt Nam cần giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trong đó có thương lượng song phương trên những vấn đề liên quan tới hai nước và đa phương trên những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Tổng bí thư nhận định Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện trong việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngành ngoại giao cần góp phần đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước. Các cán bộ ngoại giao phải chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư, du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn, với các đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững. 

"Hội nghị Ngoại giao lần này cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao, nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế có tác động tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam thế nào", ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Việt Anh

VNExpress

Tổng bí thư, Việt Nam, ngoại giao, hiểu rõ, quan hệ, nước lớn, tránh, bị động


© 2021 FAP
  3,759,454       4/1,105