Thế giới

Triều Tiên xác nhận tái sản xuất plutonium

Triều Tiên hôm qua xác nhận sản xuất trở lại plutonium và không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân chừng nào vẫn còn thấy những mối đe dọa từ Mỹ.

trieu-tien-xac-nhan-tai-san-xuat-plutonium

Hình ảnh chụp Yongbyon năm 2008 trước khi tháp làm mát chính bị đánh sập, lúc lò phản ứng được dừng hoạt động. Ảnh: Reuters

Viện Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên, nơi chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 90 km về phía bắc, cho hay họ còn sản xuất cả uranium làm giàu ở mức cao nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển vũ khí và năng lực hạt nhân "như định sẵn", theo Kyodo News.

"Chúng tôi tái xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ một lò phản ứng graphite", đại diện viện này nói. Tuy nhiên, phía Triều Tiên không tiết lộ thông tin về lượng plutonium hay uranium làm giàu mà họ sản xuất được cho đến nay.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ công suất 100.000 kW để dùng cho mục đích thí nghiệm song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua lên án những hoạt động trên của Triều Tiên "vi phạm rõ ràng" nghị quyết Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động và phát ngôn khiến căng thẳng khu vực gia tăng.

Hồi tháng 6, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cảnh báo về việc Triều Tiên dường như đã mở cửa lại nhà máy sản xuất plutonium Yongbyon.

Đầu năm nay, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói trong một đánh giá về mối đe dọa toàn cầu rằng Triều Tiên đã khởi động lò phản ứng 5 megawatt và vận hành đủ thời gian để thu thập plutonium "trong vòng vài tuần tới vài tháng".

Lò phản ứng này là nguồn tạo plutonium cấp độ vũ khí cho Triều Tiên. Lò phản ứng nhỏ có thể sản xuất những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, và nếu được tái chế, chúng có thể mang về cho Triều Tiên một lượng plutonium đủ để chế tạo ít nhất một quả bom mỗi năm.

Vũ Hoàng

VNExpress

plutonium, Triều Tiên, hạt nhân, nguyên tử, vũ khí, Bình Nhưỡng


© 2021 FAP
  3,885,636       16/1,017