Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Liên minh châu Âu đang "xúc phạm" nước này, đồng thời nhắc lại đề nghị miễn thị thực để đổi lấy việc Ankara chặn dòng người tị nạn.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters. |
"Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn thương" bởi cuộc đảo chính thất bại, bắt đầu đêm 15/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức. "Thay vì giúp Thổ Nhĩ Kỳ, (các quốc gia châu Âu) lại xúc phạm chúng tôi".
Quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ xấu dần từ sau cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan. EU quan ngại về hoạt động trấn áp sau đảo chính của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ tức tối bác bỏ chỉ trích từ EU rằng việc thanh trừng có thể vi phạm quy tắc nhân quyền mà Ankara phải tuân theo để được miễn thị thực đi lại và tăng tốc đàm phán gia nhập liên minh.
Theo ông Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các nỗ lực, "giống như số ít quốc gia khác, để đáp ứng điều kiện gia nhập EU". Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhận được "sự đe dọa, xúc phạm và phong tỏa" từ liên minh 28 nước.
"Tôi tự hỏi chúng tôi đã phạm lỗi gì? Sự thù địch đó là sao?", Cavusoglu nói. Ngày 10/8, ông cáo buộc EU "động viên" những kẻ chủ mưu đảo chính.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đưa ra yêu cầu miễn thị thực đi lại cho công dân nước này trong EU. Đổi lại, Ankara sẽ thực hiện thỏa thuận gây tranh cãi hồi tháng 3, giúp ngăn dòng người tị nạn vào châu Âu.
"Hoặc cùng thực hiện các thỏa thuận, hoặc là gạt chúng sang một bên", ông Cavusoglu trả lời khi phóng viên hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cho phép hàng trăm nghìn người tị nạn và nhập cư tìm cách vượt biển từ nước này sang Hy Lạp không.
Như Tâm
Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara, Liên minh châu Âu, EU