Với những người tin vào người ngoài hành tinh và vật thể bay không xác định (UFO), thành phố Roswell, Mỹ được xem như "miền đất thánh".
Người dân hóa trang thành người ngoài hành tinh ở Roswell. Ảnh: Al Jazeera |
Cứ đến tháng 7 hàng năm, hàng nghìn người lại đổ về thành phố Roswell, bang New Mexico của Mỹ để tham dự Lễ hội UFO thường niên, kỷ niệm sự kiện được cho là bị chính phủ Mỹ bưng bít về vụ rơi đĩa bay của người ngoài hành tinh tại đây vào mùa hè năm 1947.
Theo Al Jazeera, trong thười gian diễn ra lễ hội, thành phố yên tĩnh này bỗng trở nên náo nhiệt lạ thường, với các cuộc thi trang phục hóa trang, ánh đèn, các quầy hàng cùng rất nhiều đồ lưu niệm gắn với người ngoài hành tinh.
Tại Roswell, mọi thứ đều có dáng dấp của người ngoài Trái Đất, từ những cột đèn tới tiệm cà phê, các nhà hàng đồ ăn nhanh. Roswell còn có một bảo tàng kiêm trung tâm nghiên cứu UFO quốc tế.
"Thật khó tưởng tượng nơi này sẽ ra sao nếu không có vụ rơi 'đĩa bay' đó", Janet Jones, cư dân địa phương, nói.
Sự kiện 1947
Hầu hết mọi người dân tại đây đều tin vào câu chuyện rằng năm 1947, một nông dân tên là Mack Brazel đã tình cờ bắt gặp những mảnh vỡ kỳ lạ trong trang trại của mình và đưa chúng tới một sân bay quân đội gần đó.
Tại đây, một sĩ quan không quân đã ra thông cáo khẳng định một "đĩa bay" đã được tìm thấy. Ngày 8/7/1947, tờ Roswell Daily Record đăng tải hàng tít chấn động: "Sân bay quân đội Roswell thu giữ đĩa bay trên một trang trại tại vùng Roswell". Và từ đây, câu chuyện được lan truyền khắp nước Mỹ.
Cho dù sự quan tâm của công chúng nhanh chóng tan biến sau đó, khi không quân Mỹ ra thông cáo khẳng định đó chỉ là các mảnh vỡ của một quả khí cầu thời tiết, đến những năm 1970, sức nóng của vụ việc lại được thổi bùng bởi những nhà "đĩa bay học". Họ khẳng định tuyên bố khí cầu rơi chỉ là câu chuyện được dựng lên để che đậy sự thật, và rằng chính quyền đã tìm thấy thi thể người ngoài hành tinh.
"Trước vụ 11/9, đó là đề tài có nhiều thuyết âm mưu nhất", giáo sư sử học William Dewan, tại Đại học California, người làm đề tài tiến sĩ về hiện tượng UFO cho biết. Theo ông Dewan, chính sự không tin tưởng vào chính phủ là yếu tố góp phần làm bùng nổ các thuyết âm mưu về UFO.
Đến những năm 1990, chính phủ Mỹ hé lộ vật thể được tìm thấy không phải mảnh vỡ khí cầu thời tiết, mà là một loại thiết bị do thám, nằm trong dự án tối mật của không quân Mỹ nhằm phát hiện các vụ nổ hạt nhân. Tuyên bố này càng mở đường cho những tranh cãi và thuyết âm mưu, cũng như sự quan tâm của công chúng.
Cơn sốt UFO tại Mỹ
Sau sự kiện Roswell, cơn sốt UFO bùng lên mạnh mẽ tại Mỹ khi phi công Kenneth Arnold kể rằng đã nhìn thấy 9 vật thể bay gần Mount Rainier, bang Washington vào năm 1947. Lo sợ rằng những gì mình thấy là một vũ khí của nước ngoài, ông Arnold đã thông tin vụ việc cho một tờ báo địa phương. Ông mô tả các vật thể này di chuyển "giống như một cái đĩa bị lia đi trên mặt nước".
Mô tả này sau đó bị báo giới trích dẫn sai, và rất nhiều bài viết đã xuất hiện với những hàng tít như: "Phi công bang Idaho phát hiện đĩa bay siêu thanh".
Theo nhà xã hội học Robert Bartholomew, sự cẩu thả của các phóng viên đã gieo vào dư luận nước Mỹ niềm tin rằng UFO có tồn tại. Kể từ đó, các vụ tuyên bố nhìn thấy UFO xuất hiện ngày một nhiều.
Chính phủ Mỹ, không quân và cả Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng vào cuộc điều tra các tuyên bố này. "Các nhà khoa học nói rằng những thứ đó không tồn tại, hoặc không có bằng chứng xác đáng nào. Thế nhưng liên tục có người tuyên bố đã nhìn thấy chúng", ông Bartholomew nói.
Vô số khảo sát được thực hiện từ những năm 1950 cho thấy người Mỹ rất tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Một khảo sát năm 2013 của tờ Huffington Post và tổ chức YouGov cho thấy gần một nửa người Mỹ tin rằng UFO từng đến thăm Trái Đất.
Nhà hàng đồ ăn nhanh được thiết kế theo hình đĩa bay ở Roswell. Ảnh: Al Jazeera |
Giải mã
Theo giáo sư sử học William Dewan, niềm tin vào người ngoài hành tinh giống như "những tấm gương trong nhà cười, phản chiếu méo mó chính bản thân chúng ta. Nếu nhìn vào văn hóa dân gian, các đĩa bay giống như những đấng cứu thế, hoặc những kẻ hủy diệt".
Nhà xã hội học Bartholomew cho rằng cơn sốt UFO diễn ra trùng với thời kỳ phương Tây ngày một lo sợ về những vũ khí bí mật và nguy cơ xảy ra chiến tranh nguyên tử.
Ý tưởng cho rằng có sự liên quan giữa các tuyên bố nhìn thấy UFO và các cơ sở quân sự, hạt nhân được minh chứng rõ nhất tại New Mexico. Bang này xuất hiện trong vô số vụ việc đình đám liên quan đến người ngoài hành tinh, sau vụ việc ở Roswell.
"Việc bang New Mexico gắn với hiện tượng UFO có mối liên hệ mật thiết với Roswell, nhưng thực tế, đó cũng là địa điểm đặt Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos - một khu liên hợp nghiên cứu vũ khí hạt nhân, khu thử nghiệm tên lửa White Sands, cùng các căn cứ không quân Holloman và Kirkland", ông Nick Pope, từng làm việc ở Bộ Quốc phòng Anh, nói. "Tất cả các địa điểm này đều gắn với những thành tựu công nghệ Mỹ trong và sau Thế chiến II, và tất cả những cơ sở đó đều bị gán với UFO theo một cách nào đó".
Sau vụ việc tại Roswell, có nhiều người thông báo rằng họ nhìn thấy UFO bên trên và xung quanh Los Alamos. Những vụ việc này được tóm tắt trong nhiều tài liệu đã được giải mật, ghi lại lời kể của nhiều quân nhân, nhân viên an ninh và cả các nhà khoa học tại đây.
"New Mexico nằm ở trung tâm một tổ hợp công nghiệp quân sự. Đó cũng là nơi có khu thử nghiệm hạt nhân Trinity", ông Dewan nói, và cho rằng những thuyết âm mưu về UFO có thể hé mở phần nào văn hóa và xã hội Mỹ.
Theo ông Dewan, cơn sốt Roswel minh chứng một thực tế rằng những bí mật về công nghệ được chính phủ che giấu đã tạo điều kiện cho con người thể hiện nỗi sợ hãi rất thật của mình. "Câu hỏi đặt ra là: phải chăng người Mỹ hoang tưởng không vô cớ? Có bao nhiều phần trong lịch sử những thập kỷ gần đây vẫn còn là bí mật quốc gia?".
Xem thêm: Lý do chúng ta không tìm thấy người ngoài hành tinh
Những cách người ngoài hành tinh có thể liên lạc với Trái Đất
Hoàng Nguyên
Roswell, người ngoài hành tinh, đĩa bay, UFO, thuyết âm mưu, sự kiện 1947