Thế giới

Các vũ khí uy lực Trung Quốc sao chép từ nước ngoài

Một số vũ khí uy lực của Trung Quốc hiện nay được chế tạo theo công nghệ sao chép không hoàn chỉnh của Nga và Mỹ.

Do những tụt hậu của nền công nghiệp quốc phòng so với phương Tây và Liên Xô, Trung Quốc đã phải kết hợp việc chuyển giao công nghệ hợp pháp và hoạt động tình báo, sao chép công nghệ của Liên Xô và Mỹ để phát triển một số loại vũ khí uy lực, mà 4 hệ thống sau đây là những ví dụ điển hình, theo National Interest.

Tiêm kích đánh chặn J-7

cac-vu-khi-uy-luc-trung-quoc-sao-chep-tu-nuoc-ngoai

Tiêm kích J-7 của Trung Quốc. Ảnh: SinoDefense

Năm 1961, nhằm xoa dịu căng thẳng và bày tỏ thiện chí hợp tác giữa hai nước, Liên Xô đã chuyển giao bản thiết kế và các tài liệu liên quan đến tiêm kích đánh chặn MiG-21 mới cho Trung Quốc.

Sau khi có được bản thiết kế của Liên Xô, Trung Quốc đã nghiên cứu và cuối cùng chế tạo được tiêm kích J-7, một bản sao chép hoàn chỉnh của MiG-21. Bắc Kinh sau đó còn xuất khẩu biến thể F-7 của chiếc tiêm kích này để cạnh tranh trực tiếp với MiG-21 trên thị trường thế giới.

Không dừng lại ở đó, sau khi khôi phục quan hệ với Mỹ đầu thập niên 1970, Trung Quốc còn trực tiếp bán tiêm kích J-7 cho Mỹ để sử dụng cho việc huấn luyện phi công Mỹ chiến thuật đánh bại tiêm kích Liên Xô.

Tiêm kích J-11

cac-vu-khi-uy-luc-trung-quoc-sao-chep-tu-nuoc-ngoai-1

Tiêm kích J-11 Trung Quốc là bản sao chép không hoàn chỉnh của Su-27 Nga. Ảnh: SinoDefense

Sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990 khiến kinh tế Nga đối mặt với nhiều khó khăn và buộc phải bán một lượng lớn cho Trung Quốc.

Trong thập niên 1990, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thương vụ vũ khí lớn, điển hình là hợp đồng bán, cấp phép và chuyển giao công nghệ tiêm kích đa nhiệm Su-27 Flanker. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc có công nghệ để sản xuất thành công mẫu chiến đấu cơ J-11, loại tiêm kích đánh chặn được cho là tương đối nguy hiểm thời điểm đó.

Không lâu sau, Nga tố cáo Trung Quốc vi phạm các điều khoản hợp đồng cấp phép bằng việc tích hợp hệ thống điện tử nội địa lên tiêm kích J-11. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tự ý phát triển một biến thể tiêm kích hạm. Hành động sao chép trắng trợn công nghệ này đã ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung, khiến Moscow thận trọng hơn khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.

Tiêm kích J-31

Sau khi Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mang tên J-31, các chuyên gia phân tích Mỹ đã nghi ngờ nước này đánh cắp thông tin liên quan đến công nghệ chế tạo tiêm kích F-35.

Nhận định này càng được củng cố khi Trung Quốc công khai các thông tin liên quan đến thiết kế của tiêm kích tàng hình J-31, khá giống với tiêm kích F-35 hai động cơ nhưng không có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của biến thể F-35B.

Tiêm kích J-31 của Trung Quốc cũng được cho là thiếu nhiều hệ thống điện tử tối tân để sở hữu sức mạnh hủy diệt như F-35. Tuy nhiên, J-31 có thể được triển khai trên các tàu sân bay và với lợi thế giá rẻ, có thể cạnh tranh với F-35 trên thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Máy bay không người lái

cac-vu-khi-uy-luc-trung-quoc-sao-chep-tu-nuoc-ngoai-2

UAV Caihong 5 của Trung Quốc khá giống với máy bay MQ-9 Reaper Mỹ .Ảnh: Breakingdefense

Năm 2010, Trung Quốc bị Mỹ bỏ xa trong lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã bắt kịp và hiện sản xuất các UAV có thể cạnh tranh với Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế.

Theo tình báo Mỹ, sở dĩ Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ nhanh đến như vậy là do các tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ từ một số nguồn, gồm cả chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân như General Atomics có liên quan đến việc sản xuất UAV. Các mẫu UAV mới nhất của Trung Quốc có bề ngoài lẫn hiệu suất rất giống máy bay Mỹ, một bước đột phá đáng kể về thời gian sản xuất đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Xem thêm: 5 vũ khí Trung Quốc có thể giúp quân đội Mỹ khắc phục thiếu sót.

Duy Sơn

VNExpress

Trung Quốc, J-7, J-11, J-31


© 2021 FAP
  3,931,609       101/1,669