Trong thời khắc tòa nhà Quốc hội bị ném bom, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh cùng nhau bảo vệ thành trì của nền dân chủ trước âm mưu đảo chính.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim khảo sát các phần hư hỏng trong tòa nhà Quốc hội tại Ankara hôm 19/7. Ảnh: Reuters |
Khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra đêm 15/7, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara đổ về tòa nhà Quốc hội. Bởi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đi nghỉ mát, các nghị sĩ có thể là thành trì cuối cùng để bảo vệ nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ giữa những tiếng nổ rung chuyển thủ đô, theo TIME.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tin rằng cuộc đảo chính là mưu đồ được chuẩn bị bài bản và suýt thành công. Những kẻ làm phản đã huy động xe tăng, trực thăng và chiến đấu cơ F-16 tấn công vào các địa điểm chiến lược, trong đó có tòa nhà Quốc hội, biểu tượng của không chỉ chính phủ ông Erdogan mà còn của các cơ quan quan trọng trong nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào đêm đó, nghị sĩ phe đối lập Mahmut Tanal đang ở một văn phòng của Hiệp hội Luật sư Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara. Ông nghe tiếng thấy tiếng máy bay quân sự quần thảo trên bầu trời ở tầm thấp. Sau khi kiểm tra tin tức trên mạng xã hội, ông thấy các binh sĩ đã phong tỏa cây cầu ở Istanbul. Ông cũng nắm bắt thông tin về cuộc tấn công vào trụ sở cơ quan tình báo ở Ankara và những cuộc đụng độ bạo lực khác.
Ông Tanal, 55 tuổi, là thành viên của đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập. Ông lo sợ sẽ bị bắt giữ nếu quân đội lên nắm quyền. Là một người nghiên cứu và am hiểm lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ vốn nhiều lần trải qua 4 cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ, Tanal hình dung được viễn cảnh đen tối sắp đến. Thay vì về nhà, ông nhận thấy ông có thể thoát khỏi nguy cơ bị nếu đến tòa nhà Quốc hội kiên cố, nơi nhiều nghị sĩ khác đang tụ tập.
Nghị sĩ này ghé qua nhà để gói ghém một ít đồ dùng cần thiết phòng trường hợp bị bỏ tù, gồm một bộ áo quần dự phòng, một bản hiến pháp mà ông dự định đọc nó nhiều lần trong tù. "Tôi là một luật sư và cũng là một thành viên của ủy ban nhân quyền tại Quốc hội. Vì vậy, tôi biết những gì cần thiết khi ở tù", ông nói trong một cuộc phỏng vấn 5 ngày sau cuộc đảo chính bất thành.
Ở một nơi khác của Ankara, nghị sĩ Orhan Atalay, 50 tuổi, thành viên đảng Phát triển và Công lý (AKP) cầm quyền đang ở nhà thì nghe thấy một tiếng nổ. Sau khi gọi một số cuộc điện thoại, ông biết cuộc đảo chính đang diễn ra. Ông vội vàng chụp lấy khẩu súng và lên xe dù nghe thấy thêm một tiếng nổ khác xảy ra ở một trụ sở cảnh sát gần đó. "Tôi tận mắt thấy những ngọn lửa bùng lên", ông nói.
Atalay cho biết ông là nghị sĩ thứ hai đến tòa nhà Quốc hội lúc khoảng 21h giờ địa phương. Sau đó, khoảng 30 nghị sĩ thuộc ba đảng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại sảnh chính. Selahattin Demirtas, đồng lãnh đạo của đảng Dân chủ Nhân dân tuyên bố rằng tuy các nghị sĩ của đảng này đang ở ngoài thủ đô và không thể đến Quốc hội nhưng họ phản đối cuộc đảo chính, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với các nghị sĩ đang bị vây hãm ở Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Kahraman cũng có bài phát biểu phản đối cuộc đảo chính, tuyên bố rằng Quốc hội vẫn hoạt động.
Ngay khi ông đang nói, các nghị sĩ nghe thấy tiếng nổ, dường như là một vụ ném bom gần đó. 10 phút sau, tiếng nổ thứ hai vang lên ngay tại tòa nhà, khiến mọi người bên trong hoảng loạn la hét. Bài phát biểu của ông Kahraman bị gián đoạn bởi tiếng ầm ầm rung chuyển căn phòng.
Video: Tiếng nổ rung chuyển tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ
Các tiếng nổ tiếp tục rền vang khi trời về khuya. Sau nửa đêm, các nghị sĩ phải rời khỏi sảnh để xuống trú ẩn ở tầng hầm. Lúc đó, họ chia thành những nhóm nhỏ, đi theo các hướng khác nhau trong tầng hầm có kết cấu phức tạp, mục đích là để tránh nguy cơ tất cả nghị sĩ bị bắt giữ cùng một lúc.
Trong các nhóm này có nghị sĩ của các đảng đối lập nhau. Chỉ vài tuần trước đó, họ còn lao vào giằng co nhau trong một cuộc tranh cãi về dự luật cho phép tước quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các nghị sĩ. Giờ đây, đối mặt với nguy cơ bị bắt và cái chết, sự chia rẽ đảng phái bỗng dưng biến mất. "Không có bất kỳ sự chia rẽ nào, chúng tôi chỉ là những con người đang tìm cách sống sót", Tanal nói.
Khi các nghị sĩ sơ tán khỏi sảnh chính của Quốc hội, Tổng thống Erdogan ra tuyên bố đầu tiên kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra. Thể hiện rằng ông vẫn nắm quyền lực, ông Erdogan xuất hiện thông qua ứng dụng Facetime trên điện thoại di động của một phát thanh viên, kêu gọi nhân dân chống lại đảo chính. Hàng nghìn người dân ngay lập tức đáp lại lời hiệu triệu, tràn xuống các đường phố Istanbul và Ankara, nơi họ đối đầu với các xe tăng của phe đảo chính tại quảng trường bên ngoài tòa nhà Quốc hội.
Một góc tòa nhà Quốc hội bị hư hại sau vụ ném bom. Ảnh: Reuters |
Cả Atalay và Tanal đều cho biết suốt buổi tối căng thẳng dài dằng dặc đó, họ không biết cuộc đảo chính thành công hay thất bại. Theo họ, bước ngoặt xảy ra khi tướng Umit Dundar, tư lệnh quân đoàn 1 đóng quân ở Istanbul, tuyên bố ủng hộ chính phủ. Quân đoàn 1 là lực lượng quân đội đóng vai trò quyết định trong các cuộc đảo chính trước đây.
"Trước khi tư lệnh quân đoàn 1 đưa ra lời tuyên bố, chúng tôi thực sự không chắc chắn liệu cuộc đảo chính thành hay bại. Khi tướng Dundar nói ủng hộ chính phủ, chúng tôi biết rằng phe làm phản sẽ bị đập tan".
Khi mặt trời ló rạng vào ngày 16/7, không khí tịch mĩnh bao trùm Ankara. Các nghị sĩ thận trọng ra khỏi trụ sở Quốc hội. Khắp nơi trong khuôn viên Quốc hội đều có bóng dáng nhân viên an ninh, trong đó có một số người mà các nghị sĩ quen mặt và có cả những người họ chưa gặp bao giờ.
"Có thêm một số cảnh sát được điều động từ trụ sở trung ương sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Tuy nhiên, mọi người đều e dè lẫn nhau vì đang có không khí ngờ vực", Tanal nói. Một số cảnh sát mà ông quen dẫn ông ra ôtô. Thật ngạc nhiên, xe của ông vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị hư hại do đạn pháo. Ông lên xe và lái về nhà trong ánh nắng sớm buổi sáng.
Xem thêm: Cô gái truyền lời hiệu triệu chống đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Người lấy thân mình chặn xe tăng phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Hồng Vân
đối thủ, đảng phải, nghị sĩ, đối lập, nghị sĩ đảng phái đối lập, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo chỉnh Thổ Nhĩ Kỳ, đêm đảo chính, làm phản Thổ Nhĩ Kỳ, lời kể nhân chứ