Thế giới

Vì sao truyền thông hờ hững với âm mưu ám sát Donald Trump

Một thanh niên Anh đã lên kế hoạch từ một năm trước để đến Mỹ ám sát Donald Trump, tuy nhiên, vụ việc này lại không được truyền thông đả động nhiều.

vi-sao-truyen-thong-ho-hung-voi-am-muu-am-sat-donald-trump

Michael Steven Sandford, kẻ âm mưu ám sát Donald Trump, bị cảnh sát giải đi. Ảnh: Reuters

Câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến Donald Trump trên trang tìm kiếm Google những ngày qua là "Ai đã tìm cách bắn Trump?", Washington Post cho biết. Điều đó có nghĩa là nhiều người vẫn chưa biết câu trả lời, một phần có lẽ vì vụ ám sát hụt này đã không được đưa tin đậm.

Theo thông báo từ cơ quan chức năng, nghi phạm được xác định là Michael Steven Sandford, 20 tuổi, công dân Anh đang cư trú trái phép tại Mỹ sau khi thị thực nhập cảnh hết hạn. Sandford được tin là đã tìm cách rút súng từ bao súng của một cảnh sát làm nhiệm vụ tại một sự kiện vận động của Donald Trump ở Las Vegas hôm 19/6.

Tên này đã bị bắt và khai với Cơ quan Mật vụ Mỹ rằng đã lái xe từ California tới dự sự kiện, sau khi lập kế hoạch sát hại ứng viên của đảng Cộng hòa suốt một năm trước, hồ sơ vụ án cho biết.

Các tờ báo Mỹ có đưa tin về vụ việc, nhưng không dồn dập. Truyền hình cáp cũng không dành nhiều thời gian cho sự kiện này. Thay vào đó, thông tin về kết quả vận động gây quỹ nghèo nàn trong tháng 5, cùng việc Donald Trump sa thải người phụ trách chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski lại được đưa tin đậm nét.

Tỷ phú bất động sản đã gọi điện tới chương trình "Fox & Friends", vốn lâu nay vẫn thân với ông, nhưng không hề được phỏng vấn một câu nào về vụ ám sát hụt. Đáng chú ý là bản thân ông Trump cũng không đề cập đến vụ việc, rất có thể do bản thân ứng viên này cũng không xem đó là chuyện quan trọng, hoặc đơn giản là không muốn nói đến.

Lời lý giải rõ ràng nhất có lẽ là do Sandford đã không thể đi xa với âm mưu của mình. Thanh niên này thậm chí còn chưa chiếm được vũ khí tại cuộc vận động của Donald Trump. Âm mưu của người này cũng bị xem là không tinh vi, cho dù Sandford đã khai với cơ quan chức năng về quá trình tập dượt, cùng việc tới một trường bắn hôm trước ngày hành sự. Tại trường bắn, Sandford đã bắn 20 viên đạn từ một khẩu súng lục Glock cỡ nòng 9 mm, một loại súng được cảnh sát Mỹ sử dụng phổ biến.

Tóm lại, nếu gọi Sandford là một mối đe dọa thực sự có thể là hơi quá. Một vụ việc gần như tương tự từng xảy ra vào tháng 11/2011, khi Oscar Ramiro Ortega-Hernandez tìm cách sát hại Tổng thống Obama, nhưng âm mưu cũng nhanh chóng đổ bể. Tên này đã nổ nhiều phát súng vu vơ về phía Nhà Trắng, từ khoảng cách gần 700 m, và cũng không tìm hiểu đủ kỹ càng để biết rằng thời điểm đó ông Obama đang ở San Diego.

Một âm mưu ám sát khác, cũng thất bại khi còn chưa đi tới đâu và không được báo giới quan tâm, là khi James McVay dự tính cướp súng của cảnh sát tại bang Wisconsin, để lái xe suốt chặng đường dài qua Chicago, Indianapolis trước khi ám sát ông Obama tại một sân golf ở Washington.

Theo lời khai của tên này sau khi bị bắt tháng 7/2011, y đã đâm chết một cụ bà 75 tuổi tại South Dakota để cướp xe hòng tới Wisconsin. Dù vậy, khi còn chưa kịp thực hiện bước tiếp theo là mai phục và cướp vũ khí của cảnh sát, tên này đã bị bắt tống giam và kết án tử hình năm 2014 với tội danh giết người. James McVay tự sát trong buồng giam 5 tháng sau khi nhận bản án.

Kênh CNN khi đó có đưa tin về vụ bắt giữ cùng âm mưu của nghi phạm này, nhưng các tờ báo lớn khác như Washington Post hay New York Times đều bỏ qua.

Từ góc độ của ông Trump, vụ việc Sandord không phù hợp với bất kỳ luận điểm nào trong chiến dịch của ứng viên này. Tỷ phú đã thể hiện mình là người bảo vệ kiên cường cho bản Sửa đồi lần hai Hiến pháp Mỹ, coi quyền sở hữu súng của người dân là bất khả xâm phạm. Do đó, ông không thể lấy âm mưu ám sát bất thành làm cơ sở để đẩy lùi nỗ lực kiểm soát súng.

Sandford là một người nhập cư bất hợp pháp và ông Trump cũng muốn trục xuất mọi cá nhân như vậy, nhưng trọng tâm của "ông trùm" bất động sản này lại là xây dựng một bức trường thành để ngăn chặn người Mexico, và cấm người Hồi giáo nước ngoài tới Mỹ. Một người Anh cư trú quá thời hạn thị thực không phải là công cụ quảng bá hữu ích cho các quan điểm trên.

Nếu ông Trump muốn khiến vụ việc trở nên đình đám, ông hoàn toàn có thể làm việc đó. Năng lực của ông trong việc khơi gợi các chủ đề bàn luận đã được chứng minh rất nhiều lần. Tuy nhiên, có vẻ như ông không mấy quan tâm, và truyền thông Mỹ cũng vậy. Không bên nào muốn một vụ ám sát hụt được lên kế hoạch sơ sài lại thu hút dư luận nhiều hơn mức cần thiết.

Dù vậy, một số người theo tư tưởng bảo thủ lại cho rằng đang tồn tại những tiêu chuẩn kép. Trang tin đường lối bảo thủ Hot Air bình luận: "Bạn có tưởng tượng được người ta sẽ đưa tin như thế nào nếu ai đó định bắn bà Hillary Clinton? Điều tương tự cũng có thể đã diễn ra với Tổng thống Barack Obama trong mùa hè 2008. Các câu hỏi sẽ được đưa lên tranh luận trên truyền hình trong nhiều tuần về con quỷ ẩn náu trong tim của mỗi người, và vì sao một số người làm mọi việc để ngăn chặn việc bỏ phiếu cho một tổng thống da màu hoặc nữ tổng thống đầu tiên".

"Nhưng khi ai đó lên kế hoạch suốt hơn một năm để giết hại ông Trump, di chuyển sang nước ngoài để tìm kiếm cơ hội và sau đó triển khai âm mưu, nó chỉ khiến mặt hồ truyền thông khẽ gợn sóng", trang này viết.

Xem thêm: Chặt 'cánh tay phải', liệu Donald Trump có tránh bị rơi tự do

Người đơn độc ủng hộ Donald Trump tại khu phố của nhà Clinton

Hoàng Nguyên

VNExpress

Vì sao truyền thông hờ hững với âm mưu ám sát Donald Trump - VnExpress


© 2021 FAP
  3,906,588       46/1,303