Jonathan Almandrez hy vọng ông sẽ không còn bị tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi khi đánh bắt cá trên Biển Đông nếu Manila chiến thắng trong vụ kiện Bắc Kinh.
Ngư dân vận chuyển đá lạnh lên tàu cá neo ngoài khơi thị trấn Infanta, tỉnh Pangasinan, Philippines, ngày 16/6. Ảnh: AFP. |
Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển Philippines khoảng 230 km. Đây là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Trung Quốc thường xuyên triển khai tàu hải cảnh tới khu vực.
"Tôi tức tối khi họ trơ tráo đuổi chúng tôi đi dù chúng tôi rõ ràng ở trong lãnh thổ Philippines", người đàn ông 30 tuổi, dùng biệt danh Jonathan Almandrez, cho biết. Ông nói không muốn sử dụng tên thật do sợ sự đáp trả từ Trung Quốc.
Almandrez cung cấp một đoạn video quay bằng điện thoại cho AFP. Ông kể lại các tàu tuần tra Trung Quốc bao vây một tàu gỗ chở khoảng 10 ngư dân Philippines suốt hai giờ liền hôm 7/6.
Tàu gỗ Philippines đánh bắt cá ngay phía ngoài bãi cạn Scarborough trước rạng đông. Các tàu Trung Quốc áp sát con tàu gỗ, chỉ cách khoảng 2 m.
"Di chuyển đến khu vực khác! Không đánh bắt cá trong này", quân nhân trên tàu Trung Quốc hét lớn bằng tiếng Anh, Almandrez kể lại.
"Các người hãy quay lại Trung Quốc vì đây là tài sản của Philippines", nhóm ngư dân đáp trả.
Nhóm ngư dân Philippines cuối cùng buộc phải dời đi vì một tàu Trung Quốc lớn hơn nhiều xuất hiện và sợ nó sẽ phun vòi rồng. Video cho thấy hai tàu hải cảnh treo cờ Trung Quốc và dòng chữ "CHINA COAST GUARD" (Tuần duyên Trung Quốc) ở thân.
Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát
Ngư dân địa phương cho biết họ đã đánh bắt ở bãi cạn Scarborough suốt nhiều thế hệ. Bãi cạn cách đảo Hải Nam, cực nam của Trung Quốc, khoảng 650 km, nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.
Tại các rạn san hô và vùng nước nông ở Scarborough, ngư dân có thể dễ dàng xiên được 200 kg cá chỉ trong vòng một giờ, Almandrez và các ngư dân khác ở Infanta, một thị trấn trên đảo Luzon có tàu đánh bắt cá ở bãi cạn, cho biết. Scarborough còn là nơi tránh bão quan trọng với ngư dân.
Một ngư dân Philippines ngồi trên mũi tàu cá neo ngoài khơi thị trấn Infanta, tỉnh Pangasinan. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc kiểm soát Scarborough từ năm 2012, sau một cuộc đối đầu với tàu hải quân và tuần duyên Philippines. Những tàu cá không chịu rời khỏi bãi cạn có nguy cơ bị phun vòi rồng, thậm chí là đâm chìm, theo các ngư dân Philippines.
"Nước phun mạnh đến mức phá vỡ một khoang xốp", Felix Lavezores, 36 tuổi, kể lại, nhắc đến vụ tấn công bằng vòi rồng hồi đầu tháng 5 ở gần cửa bãi cạn Scarborough làm vỡ thùng đá của ông, nơi lưu trữ sản lượng đánh bắt được.
Một chuyến ra khơi đến bãi cạn tốn khoảng 90.000 peso (gần 2.000 USD), bao gồm nhiên liệu, vật tư và tiền công thủy thủ. Chủ tàu không thể thu hồi số tiền này nếu họ phải quay trở lại tay trắng.
Ngư dân ở Infanta và Masinloc, một thị trấn ngư nghiệp khác, còn tố phía Trung Quốc cắt dây neo, khiến tàu Philippines có thể bị mắc cạn. Khi được hỏi về những vụ việc xảy ra ở bãi cạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tiếp tục nhắc lại lập trường của nước này.
"Chúng tôi đã nói bãi cạn Scarborough là lãnh thổ nội tại của Trung Quốc. Các hoạt động hành pháp của tàu Trung Quốc trong khu vực này là hợp pháp và không thể bị chỉ trích", bà Hoa phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua tại Bắc Kinh.
Tranh chấp chủ quyền tại khu vực kéo dài nhiều thập kỷ khiến Biển Đông là nơi có nguy cơ xảy ra xung đột. Căng thẳng gần đây tăng cao do Trung Quốc tìm cách tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Trung Quốc còn tiến hành cải tạo đất phi pháp quy mô lớn trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo. Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự và thiết lập kiểm soát trên không, trên biển tại Biển Đông, nơi có nhiều tuyến hàng hải quan trọng và trữ lượng khí đốt, dầu mỏ lớn.
Philippines đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Báo Philippines mới đây tiết lộ PCA có thể ra phán quyết vào ngày 7/7.
Trung Quốc, tham gia UNCLOS, tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết và cáo buộc Philippines làm gia tăng căng thẳng. Philippines hy vọng sẽ nhận được phán quyết có lợi, dù tối thiểu, giúp tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất kể phán quyết từ PCA là gì, ngư dân Philippines dường như khó có thể trở lại bãi cạn Scarborough.
Như Tâm
Những cuộc truy đuổi ngư dân Philippines của tàu Trung Quốc trên Biển Đông - VnExpress