Jakarta hôm qua bảo vệ quyết định của hải quân khi bắn cảnh cáo nhóm 12 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm ở vùng biển nước này ngoài khơi quần đảo Natuna.
Tàu chiến KRI Imam Bonjol của Indonesia. Ảnh: SCMP |
Straits Times dẫn lời ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia, cho rằng vụ nổ súng trên biển tuân thủ luật giao chiến (rules of engagement).
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Trung Quốc phản đối vụ tàu chiến KRI Imam Bonjol hôm 17/6 bắt tàu cá Yueyandong Yu 19038 và 7 thuyền viên. Bắc Kinh cũng khiếu nại việc một ngư dân Trung Quốc ở một tàu mang cờ Trung Quốc khác được cho là bị bắn từ tàu KRI Imam Bonjol trong cuộc chạm trán hôm 17/6.
Tuy nhiên, ông Luhut nói Indonesia không cần phản ứng trước sự phản đối của Trung Quốc. "Điều quan trọng là chúng tôi tìm một giải pháp một cách thân tình, chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng không phải hy sinh chủ quyền của chúng tôi", ông nói.
Trong khi đó, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia, hôm qua đăng trên tài khoản Twitter rằng tàu chiến nước này làm đúng khi bảo vệ chủ quyền tại vùng biển của họ. "Chúng tôi không bắn mà không có lý do rõ ràng", bà cho biết. "Bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng tôi là điều phải làm".
Yueyandong Yu nằm trong số 12 tàu Trung Quốc hải quân Indonesia phát hiện đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của hôm 17/6. Các tàu chiến được triển khai để chặn tàu đánh bắt trái phép đã bắn cảnh cáo vào mũi các tàu cá.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nhưng không bao gồm quần đảo Natuna ở vùng biển giữa Malaysia và Borneo. Tuy nhiên, đường 9 đoạn mơ hồ nước này dùng để vạch ra ranh giới đầy tham vọng trên biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, vốn được quốc tế công nhận.
Trọng Giáp
Indonesia bảo vệ quyết định bắn tàu cá Trung Quốc - VnExpress