Kết quả cuộc chạy đua quyết liệt vào vị trí thống đốc bang Virginia năm 2013 là chỉ dấu cho thấy cựu ngoại trưởng Mỹ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn so với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh cả hai gương mặt đại diện cho hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thể hiện được ưu thế vượt trội trước đối thủ, nhiều chuyên gia và nhà phân tích chính trị quốc tế buộc phải dựa vào những "cuộc chiến" giữa hai đảng trong quá khứ để đưa ra những dự đoán về kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11, trong đó cuộc đua vào vị trí thống đốc bang Virginia năm 2013 là một điển hình, theo Slate.fr
Những điểm tương đồng
Bình luận viên Jamelle Bouie của Slate.fr nhận định tương tự cuộc đua năm nay, cuộc chiến năm 2013 diễn ra giữa hai ứng viên đều không được đông đảo cử tri Mỹ ủng hộ. Trong khi thống đốc đương nhiệm Terry McAuliffe, thuộc đảng Dân chủ, phải đối mặt với hàng loạt bê bối, từ các hiệp định thương mại gian dối đến các mối quan hệ mập mờ với giới doanh nhân, thì tổng chưởng lý Ken Cuccinelli, thuộc đảng Cộng hòa, vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt từ các cử tri nữ bởi những quan điểm chính trị mang nặng tính bảo thủ và cực đoan.
Trong suốt thời gian làm việc tại tòa án bang, Cuccinelli liên tục đưa ra các đề xuất gây tranh cãi như cấm tuyệt đối mọi trường hợp phá thai, phản đối hôn nhân đồng tính cũng như sự ủng hộ các học thuyết bảo thủ có nguy cơ phá vỡ hệ thống an sinh xã hội Mỹ.
Và hiện tại, kịch bản có vẻ như đang lặp lại ở một tầm mức lớn hơn với hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump.
Cũng giống như McAuliffe, bà Clinton hiện cũng vướng phải các bê bối và đang là đối tượng trong hai cuộc điều tra của FBI liên quan đến việc bà sử dụng email cá nhân trong khi giữ chức ngoại trưởng Mỹ cũng như những hoạt động gây nghi ngờ của quỹ từ thiện mà cựu ngoại trưởng Mỹ và chồng đang quản lý.
Theo Jamelle Bouie, xét trên một số phương diện, tỷ phú bất động sản Donald Trump không phải là bản sao của cựu tổng chưởng lý Cuccinelli. Ông Cuccielli là một người có quan điểm bảo thủ mang màu sắc đặc trưng của đảng Cộng hòa. Những đề xuất của ông đưa ra dù cứng nhắc nhưng đều dựa trên những nguyên tắc vốn tồn tại lâu đời trong đảng, Trong khi Donald Trump được đánh giá là một chính trị gia "vô nguyên tắc" và không có tính chuẩn mực.
Cuccunelli có hẳn một chương trình phát triển bang bài bản của riêng ông, còn đường lối tranh cử Trump chỉ đơn thuần dựa vào những phát ngôn mang tính bộc phát và bản năng.
Tuy nhiên, vai trò của Trump đang giữ trong cuộc đua quyết liệt này lại dường như giống hệt với vai trò của cựu tổng chưởng lý Virginia. Đó là vị thế của một ứng viên luôn được đánh giá là "khó lường". Tương tự Cuccinelli, Trump luôn gây ra tình trạng mất đoàn kết và chia rẽ trong nội bộ đảng nhưng lại tạo được tâm lý "sùng bái" mạnh mẽ từ các cử tri bảo thủ trung thành.
Những phát ngôn thẳng thắn thái quá của Trump đã giúp ông giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa nhưng cũng có thể khiến ông đánh mất sự ủng hộ của các cử tri nữ và da màu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Đặt sang một bên những hạn chế cá nhân, McAuliffe và Cuccinelli đại diện cho hai con đường phát triển khác nhau của Virginia, một hướng về tương lai cùng bản sắc đoàn kết các dân tộc tại một bang có số người định cư cao, một sẽ đưa xã hội Virginia giậm chân tại chỗ với đường lối bảo thủ.
Còn cuộc bầu cử năm nay có ý nghĩa quyết định đến bản sắc của nước Mỹ. Nước Mỹ có thể là một tập thể hài hòa của những người nhập cư, người dân tộc thiểu số tôn giáo, và con cháu của tầng lớp nô lệ cũ, những người đang khao khát hội nhập. Và nước Mỹ cũng có thể là những người da trắng đang giận dữ và thất vọng, nhưng cũng có đủ khả năng và sức mạnh để làm chủ Nhà Trắng.
Hai ứng viên trong cuộc đua tranh chức thống đốc bang Virginia năm 2013, Terry McAuliffe (trái) và Ken Cuccinelli (phải). Ảnh: Slate.fr |
Dự đoán chiến thắng cho Clinton
Grégor Brandy, chuyên gia phân tích chính trị người Pháp đánh giá, tại Virginia năm 2013, các cuộc thăm dò từ dư luận đã phơi bày rõ những hạn chế của hai ứng viên. Vào đêm trước cuộc bầu cử quyết định cuối cùng, kết quả thăm dò của viện chính sách công Polling cho thấy ứng viên Dân chủ McAuliffe chỉ đạt tỷ lệ ủng hộ là 36%, tỷ lệ phản đối là 52%.
Trong khi tổng chưởng lý Cuccinelli đã vượt lên với 39% ủng hộ và 52% phản đối.
Tình huống này được dự báo có thể xảy ra với cuộc đua năm nay khi ông trùm bất động sản đang tỏ ra biết cách tận dụng vụ thảm sát hộp đêm tại Orlando, cuộc khủng hoảng an ninh bất ngờ của nước Mỹ, để ghi điểm đối với cộng đồng cử tri.
Tuy nhiên, lợi thế của McAuliffe đến từ số phiếu của các cử tri trung dung (chiếm khoảng 15% tổng số cử tri), trong số này có tới 61 % ủng hộ McAuliffe và chỉ 16% ủng hộ Cuccinelli.
Và cuối cùng, ứng viên Cuccinelli, đại diện giới cộng hòa bảo thủ đã bị ứng cử viên McAuliffe, thuộc đảng Dân chủ đánh bại.
Giới chuyên gia cho rằng McAuliffe có một số ưu điểm như số tiền tranh cử lớn hơn, chiến dịch được quản lý một cách thông minh, quy củ hơn (được điều hành bởi Robby Mook, kiến trúc sư hiện tại của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton).
Và yếu tố quan trọng không kém là ứng viên đảng Dân chủ nhận được sự "trợ giúp đắc lực" từ một ứng viên tự do thứ ba tham gia vào cuộc đua. Ứng viên này đã vô tình giúp sức cho McAuliffe khi chiếm đoạt tỷ lệ ủng hộ từ các cử tri đang thất vọng về Cucinelli.
Và hiện tình hình đang có chiều hướng lặp lại, ứng viên Gary Johnson của đảng Tự do đã chính thức nhập cuộc. Những quan điểm mang hơi hướng tự do xã hội của ông được dự đoán sẽ chiếm được cảm tình không nhỏ từ tỷ lệ cử tri bất mãn với Donald Trump nhưng lại không ưa cựu ngoại trưởng Mỹ.
"Nếu cuộc bầu cử năm nay lặp lại 'vết xe' của cuộc đua năm 2013 tại Virginia thì nhiều khả năng chiến thắng sẽ thuộc về ứng viên của đảng Dân chủ, người được đánh giá là phù hợp với thời cuộc và có thể đưa nước Mỹ hướng tới tương lai", Jamelle Bouie nhận định.
Xem thêm: Vụ thảm sát hộp đêm - khúc cua có thể thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng.
Nguyễn Hoàng
Cuộc chiến 3 năm trước dự báo chiến thắng cho bà Clinton - VnExpress