Thế giới

Đối thủ số một gục ngã trước Hillary Clinton như thế nào

Trong cuộc so kè giành tấm vé đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng, ông Bernie Sanders đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để đánh bại đối thủ Hillary Clinton.

doi-thu-so-mot-guc-nga-truoc-hillary-clinton-nhu-the-nao

Ông Sanders phát biểu tại buổi vận động ở San Diego, bang California, hôm 5/6. Ảnh: AP

Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 6 bang vào ngày Siêu thứ Ba cuối cùng hôm 7/6, bà Clinton giành thắng lợi ở các bang New Mexico, South Dakota và New Jersey. Điều này giúp bà có đủ số đại biểu cần thiết để giành vị trí ứng viên trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ vào tháng tới.

Trước đó, bà Clinton nhận được sự ủng hộ của 2.383 đại biểu, bao gồm 571 siêu đại biểu, vượt một phiếu so với con số 2.382 lá phiếu cần thiết để chính thức được đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống đại diện đảng Dân chủ, theo Washington Post.

Dù vậy, thượng nghị sĩ Sanders vẫn nuôi hy vọng các siêu đại biểu ủng hộ bà Clinton thay đổi quyết định vào phút chót. Nhưng cơ hội để ông lật ngược thế cờ rất nhỏ bé.

Theo giới quan sát, ông Sanders thất bại vì bỏ lỡ nhiều cơ hội, vì không kết nối với các khu vực bầu cử quan trọng và vì những quyết định chiến lược cứng nhắc.

Chậm kết nối với cử tri da đen

Cuối năm ngoái, ông Sanders tản bộ thăm một khu phố nghèo ở Baltimore, bang Maryland, nơi một thanh niên da đen tên Freddie Gray thiệt mạng trong quá trình bị cảnh sát bắt giữ hồi tháng 4. Sanders chứng kiến những dãy nhà đóng chặt cửa vì không có người ở. Đường phố thì đầy rác.

Ông đã cố gắng hết sức để chứng tỏ mình thấu hiểu hoàn cảnh sống khó khăn ở nơi đây nhưng những phát biểu sau đó của ông dường như lại cho thấy một thế giới khác, tại bang Vermont, nơi vợ chồng ông sống với 95% là người da trắng.

Sanders miêu tả những gì ông thấy như cảnh tượng ở một nước thuộc thế giới thứ ba và nói rằng "cách vài dãy nhà từ nơi chúng tôi sống có một cửa hiệu tạp hóa xinh xắn và một siêu thị. Chúng tôi mua thực phẩm, nông sản chất lượng cao với giá rẻ, còn các bạn không được hưởng được điều này ở đây".

Giới chuyên gia nhận định Sanders có một mối liên quan cá nhân với người da đen mà lẽ ra ông nên tận dụng. Ông đã tham gia cuộc tuần hành lịch sử đòi quyền lợi kinh tế và dân sự cho người Mỹ da đen ở Washington năm 1963 và từng bị bắt khi biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại trường học Chicago. Thế nhưng ông lại không công bố những câu chuyện này từ thời điểm cuộc vận động tranh cử mới khởi động.

Nina Turner, cựu thượng nghị sĩ bang Ohio, người tích cực ủng hộ Sanders, cho biết bà đã khuyên Sanders nói nhiều hơn về lịch sử của ông trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự cho người da đen. Tuy nhiên, những góp ý của bà luôn bị ông bỏ ngoài tai.

"Ông ấy không thích nói về bản thân", bà cho biết.

Trước cuộc bầu cử sơ bộ bang South Carolina hồi tháng hai, Sanders đã huy động nhiều người da đen nổi tiếng, gồm học giả Cornel West, ca sĩ nhạc rap Killer Mike và diễn viên Danny Glover, giúp ông vận động lá phiếu của cử tri gốc Phi. Tuy nhiên, chiến lược trên không phát huy tác dụng bởi ông không tự kết nối với cử tri da đen.

Ồng Sanders bị đè bẹp tại cuộc bầu cử sơ bộ bang này, chỉ giành 26% phiếu bầu so với 73% số phiếu của bà Clinton. Ông tiếp tục thua bà Clinton với tỷ lệ phiếu chênh lệch lớn tương tự ở hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ khác tại các bang miền nam. Đỉnh điểm, ông để thua bà Clinton đến 66 điểm ở bang Mississippi, nơi ông chỉ nhận được 16,5% phiếu ủng hộ so với tỷ lệ 82,6% phiếu dành cho bà Clinton.

Chiến thắng với cách biệt xa như vậy giúp bà Clinton xây dựng vững chắc vị trí dẫn đầu về số đại biểu ủng hộ.

Trong cuộc so kè ở 15 bang, chủ yếu tại miền nam, nơi có tỷ lệ cử tri da đen lớn hơn tỷ lệ trung bình cả nước, số đại biểu cam kết mà bà Clinton giành về tay cao hơn 353 người so với ông Sanders. Trong khi đó, tại 34 cuộc bầu cử sở bộ khác, tổng cộng, ông Sanders chỉ kiếm được số đại biểu cam kết nhiều hơn 78 người so với bà Clinton, tính đến ngày 4/6.

"Rõ ràng, chúng tôi tranh cử rất tệ ở miền nam", ông thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn.

Sức hút của Sanders đối với cử tri gốc Phi dần cải thiện về sau này khi ông thành công trong việc kết nối với họ nhưng dường như đã quá muộn để thay đổi tình hình.

Hiệu ứng tiêu cực

Một phần chiến lược của ông Sanders nhằm giành thắng lợi ở các bang có đông người gốc Phi là phải chiến thắng tại các bang án ngữ trước đó, ví dụ như Iowa, New Hampshire hay Nevada. Ban vận động tranh cửa của ông tin rằng nếu họ nỗ lực và thắng ở ba bang nói trên, động lực để "mở toang cánh cửa" vào các bang miền nam sẽ hình thành.

Tuy nhiên, ông Sanders đã không dồn nhiệt huyết trong nhiều tháng kể từ khi tuyên bố ra tranh cử hồi tháng 4 năm ngoái. Các trợ lý cho hay ông vẫn bận rộn với công việc ở thượng viện Mỹ. Những buổi vận động tranh cử tại các bang Iowa, New Hampshire cùng các bang khác phần lớn chỉ diễn ra vào dịp cuối tuần.

Ban đầu, Sanders tránh chiến thuật vận động tranh cử theo hình thức gặp gỡ và nói chuyện với cử tri càng nhiều càng tốt. Đôi khi, sau các buổi vận động, ông ra thẳng xe để đi về thay vì nán lại bắt tay từng cử tri hoặc chụp ảnh lưu niệm với họ.

Trái lại, bà Clinton thường tổ chức những cuộc thảo luận bàn tròn và gặp gỡ cử tri tại quán cà phê để tạo dấu ấn thân thiện.

Ông Sanders tìm cách gây dựng sức ảnh hưởng thông qua việc thu hút những đám đông khổng lồ đến các buổi tuần hành ủng hộ ông diễn ra chủ yếu ở các thành phố nằm cách xa những bang tổ chức bầu cử sơ bộ sớm.

Trợ lý của ông biện minh rằng chiến lược này giúp lôi kéo chú ý của truyền thông và sẽ hữu ích đối với một ứng cử viên chưa được biết đến nhiều như Sanders. Song nhiều ý kiến khác lại cho rằng nước đi trên khiến ông hứng chịu tổn thất tại các bang tổ chức bầu cử sơ bộ sớm.

Trong cuộc họp bỏ phiếu kín ở bang Iowa, bà Clinton đã vươn lên giành thắng lợi sít sao với mức phiếu chỉ nhỉnh hơn 0,3% so với đối thủ Sanders. Trong 10 cuộc bầu cử sơ bộ tiếp theo, bà Clinton thắng ở 7 bang. Ông Sanders chỉ thắng ở 3 bang.

Công kích đối thủ

doi-thu-so-mot-guc-nga-truoc-hillary-clinton-nhu-the-nao-1

Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders tranh luận trực tiếp với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters

Một điều chỉnh lớn trong chiến thuật vận động tranh cử giúp ông Sanders giành nhiều chiến thắng hơn sau những thất bại tại các cuộc bầu cử sơ bộ sớm là bắt đầu công kích dồn dập nhằm vào bà Clinton, theo Washington Post.

Ban đầu, Sanders thể hiện sự tự tin của mình bằng cách không truy vấn bà Clinton. Nhưng sau cùng, ông vẫn chuyển sang chiến thuật công kích quyết liệt để làm nổi bật sự khác biệt về lập trường của hai người. Ông còn chỉ trích Clinton việc bà nhận thù lao diễn thuyết ở mức 6 con số từ các công ty tài chính Phố Wall và từ chối cung cấp nội dung bài nói chuyện tại những buổi thuyết trình này.

Một số đồng minh của Sanders nhận định nếu ông áp dụng chiến thuật trên sớm hơn có lẽ ông đã tạo ra được đột phá thực sự.

"Tranh cử nghĩa là gây chú ý. Bạn không nhất thiết phải công kích mạnh mẽ ai đó nhưng bạn cần đưa ra sự đối lập. Tôi ước gì ông ấy khởi đầu theo cách đó", cựu thượng nghị sĩ bang Ohio Nina Turner bình luận.

Burt Cohen, cựu thượng nghị sĩ bang New Hampshire, thành viên ban chỉ đạo vận động tranh cử của Sanders tại bang này, cho hay ông đáng lẽ phải quyết liệt chỉ ra mối quan hệ gần gũi giữa bà Clinton với phe ôn hòa của đảng Dân chủ trong bối cảnh các cử tri có xu hướng ủng hộ một ứng viên cấp tiến.

"Tuy nhiên, ông ấy vẫn cứ là chính mình. Ông ấy là một quý ông và không muốn truy vấn bà Hillary", Cohen nói.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái, Sanders còn lên tiếng bảo vệ bà Clinton khi tuyên bố rằng người dân "phát ốm và chán ngấy khi phải nghe câu chuyện email của bà", nhằm ám chỉ truyền thông đã đưa tin quá nhiều về việc bà sử dụng máy tính cá nhân để gửi email lúc còn ở cương vị ngoại trưởng.

Phát biểu của ông nhận nhiều lời khen ngợi và được xem như biểu hiện chân thành. Nhưng theo Turner, hành động đó cũng khiến một số người cảm thấy ông không phải là ứng viên đấu tranh quyết liệt.

Jeff Weaver, người quản lý chiến dịch tranh cử của Sanders, cho rằng ông nên công kích bà Clinton sớm hơn nhằm giới thiệu hình ảnh đến cử tri và để họ biết ông là ai, ông đang đấu tranh cho điều gì.

Về phần mình, ông Sanders nói: "Trọng tâm của tôi là ngày hôm nay và tôi sẽ không bận tâm về những gì tôi có thể làm 6 tháng trước".

Xem thêm: Bê bối email có thể khiến Hillary Clinton lao đao

Hồng Vân

VNExpress

Đối thủ số một gục ngã trước Hillary Clinton như thế nào - VnExpress


© 2021 FAP
  3,918,422       12/1,129