Nếu được Tổng thống Obama hậu thuẫn, bà Clinton sẽ có thêm sức hút với một số nhóm cử tri.
Tổng thống Mỹ Obama và ứng viên tranh cử tổng thống Hillary Clinton (trái). Ảnh: AP |
Sau nhiều tháng đứng ngoài các chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Obama đang cho thấy ông sẵn sàng hậu thuẫn một cách mạnh mẽ cho bà Hillary Clinton, trong cuộc đối đầu với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo New York Times, Tổng thống Obama có thể sẽ chính thức tuyên bố hậu thuẫn bà Clinton ngay trong tuần này. Theo các trợ lý cấp cao của ông Obama, Nhà Trắng đang tích cực thảo luận với đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của cựu ngoại trưởng về cách thức và những lĩnh vực ông chủ Nhà Trắng sẽ giúp ích được nhiều nhất.
Các cố vấn của ông Obama nói rằng ông rất nóng lòng ủng hộ ứng viên của đảng Dân chủ, người được xem như có vai trò then chốt đối với những di sản ông Obama để lại sau hai nhiệm kỳ.
Dù vậy, ông Obama không hề tỏ ra chủ quan. "Tôi luôn muốn chúng tôi chiến đấu với tinh thần cảnh giác cao", tổng thống phát biểu trước một nhóm các nhà quyên góp hôm 3/6 tại Miami.
Háo hức giúp sức
Đã nhiều thập kỷ trôi qua nước Mỹ mới lại có một tổng thống sắp kết thúc hai nhiệm kỳ nhưng vẫn có súc hút cử tri, đủ để trở thành một thế lực mạnh mẽ trong các chiến dịch vận động tranh cử,.
Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu tổng thống George W. Bush khi sắp mãn nhiệm chỉ có được 20% cử tri ủng hộ, tại thời điểm tháng 11/2008, và hiếm khi xuất hiện cùng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain trong chiến dịch tranh cử của ông này ở thời điểm đó.
Theo khảo sát của New York Times và CBS, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama trong tháng này đang ở mức 50%. Các chiến lược gia thân cận với bà Clinton cho biết họ nóng lòng được thấy ông Obama tham gia chiến dịch của mình, khi mùa tổng tuyển cử khai màn.
Theo các cố vấn, ông Obama đặc biệt hứng thú với việc chặn đứng đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử của mình, tỷ phú này đã có không ít phát biểu động chạm tới ông chủ Nhà Trắng, và cũng từng là người đi đầu trong việc phát tán thuyết âm mưu rằng ông Obama được sinh ra tại Kenya chứ không phải Hawaii.
Xem thêm: Bữa tiệc đắng Obama dành cho Donald Trump
Theo số liệu tổng hợp của hãng tin AP tối 6/6, bà Clinton đã tập hợp đủ lượng đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên đại diện của đảng Dân chủ. Và ông Obama nhiều khả năng sẽ nhanh chóng gia nhập chiến dịch tranh cử của bà.
"Ông ấy đã thể hiện mong muốn dành nhiều thời gian cho các chiến dịch tranh cử. Khi đến lúc làm việc đó, chúng tôi sẽ tổng tấn công", bà Jennifer Psaki, giám đốc truyền thông Nhà Trắng tuyên bố. "Chúng tôi đang tích cực hoạch định xem ông Obama sẽ tham gia ra sao trong chiến dịch tranh cử - điều gì tốt cho ứng viên, điều gì tốt cho tổng thống, và làm thế nào để tận dụng tối đa điểm mạnh và sức hút của ông ấy".
Bà Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của bà Clinton, thì khẳng định cựu ngoại trưởng hy vọng có được sự hậu thuẫn của ông Obama, cũng như sự tham gia của ông vào chiến dịch tranh cử suốt mùa hè và mùa thu tới.
Các cố vấn của ông Obama cũng như bà Clinton đều tin rằng tổng thống sẽ là tiếng nói có sức thuyết phục đối với các cử tri còn đang cho rằng bà Clinton khó gần, hoặc những người ngả theo quan điểm mang màu sắc tự do hơn của đối thủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
Cuối tuần qua, ông Obama đã có cuộc nói chuyện điện thoại với ông Sanders, để bàn thảo về chặng đường phía trước sau các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7/6. Trong cuộc đối thoại này, tổng thống đã đánh tín hiệu rõ ràng cho ông Sanders rằng ông sẽ hậu thuẫn bà Clinton.
Ngày 6/6, ông Sanders vẫn từ chối xác nhận khả năng sẽ rời bỏ cuộc đua khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu bà Clinton giành đủ số phiếu cần thiết để được đề cử. "Trọng tâm của chúng tôi ngay lúc này là chiến thắng ngay tại bang California này", ông Sanders phát biểu tại thành phố Emeryville, California.
Sức hút
Nhà Trắng cho rằng ông Obama có thể giúp bà Clinton thu hút các cử tri độc lập, đặc biệt là những phụ nữ độc lập sống tại các khu vực vùng ven, tại các bang miền trung tây nước Mỹ, như Michigan, Minnesota và Wisconsin. Ông Obama từng chiến thắng tại cả ba bang này trong cuộc bầu cử năm 2012, một phần nhờ chiến thuật khắc họa đối thủ Mitt Romney là "kẻ cướp" doanh nghiệp, người sẵn sàng đóng cửa các nhà máy và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Giới chức Nhà Trắng và những người thân cận với đội ngũ của bà Clinton xem sức hút của ông Obama đối với cử tri da màu và cử tri trẻ - những người có thiện cảm với ông chủ Nhà Trắng nhiều hơn so với bà Clinton - là yếu tố hữu ích giúp cho cuộc đua trong mùa tổng tuyển cử. Nhóm cử tri này sẽ có vai trò then chốt tại các bang như Florida, Virginia, Pennsylvania và Ohio. Ông Obama từng chiến thắng cả 4 bang này năm 2012.
Cách thức ông Obama tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho bà Clinton được hé lộ hôm 1/6, khi ông sử dụng bài phát biểu tại thành phố Elkhart, bang Indiana để đưa ra những tranh luận chống lại chương trình nghị sự về kinh tế của đảng Cộng hòa, dù không chỉ đích danh Donald Trump.
Ông Obama đánh tín hiệu rằng ông sẽ sớm ủng hộ bà Clinton, và cho rằng các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7/6, trong đó có các bang California và New Jersey, sẽ đem lại "cảm giác rõ ràng về việc ai sẽ là ứng viên được đề cử".
"Ông ấy rất tôn trọng cả hai ứng viên và thận trọng tránh quá nghiêng về bên nào, nhưng tới một thời điểm nào đó, quyết định vẫn là quyết định, và thời điểm đó hầu như chắc chắn là ngày thứ ba (7/6), đó là điều ông ấy nói, David Axelrod, cựu cố vấn cấp cao của ông Obama nhận định. "Tôi kỳ vọng ông ấy sẽ là một trong những người nỗ lực thúc đẩy quá trình này để toàn bộ đảng có thể đoàn kết lại".
Cả Nhà Trắng lẫn các quan chức trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton vẫn từ chối đưa ra thời điểm chính xác Tổng thống Obama sẽ tuyên bố hậu thuẫn. Nhưng ông Obama đã có lịch tới New York ngày 8/6, để tham dự một sự kiện gây quỹ cho đảng Dân chủ, diễn ra tại khu vực gần với tổng hành dinh chiến dịch tranh cử của bà Clinton tại Brooklyn, ngay sau cuộc bầu cử sơ bộ ngày thứ ba.
Pete Brodnitz, một chuyên gia thăm dò cử tri kỳ cựu cho đảng Dân chủ, cho biết vị thế và mức độ tín nhiệm của ông Obama khiến ông trở thành người lý tưởng để chống lại thông điệp đầy bất an về kinh tế của tỷ phú Trump. Dù vậy, ông Brodnitz cảnh báo rằng tỷ lệ cử tri ủng hộ ông chủ Nhà Trắng cũng như mức độ hiệu quả trong việc thu hút cử tri cho bà Clinton có thể giảm, nếu ông Obama lao vào một cuộc đấu khẩu trực diện với ứng viên đảng Cộng hòa.
"Không một ai muốn ủng hộ các chính trị gia đấu đá lẫn nhau trong một kỳ tổng tuyển cử", ông Brodnitz khẳng định. "Trong đảng có nhiều người có thể tấn công. Tôi nghĩ tổng thống không cần phải vào vai đó nếu ông ấy muốn người dân cảm thấy khá hơn chút ít về tương lai kinh tế chúng ta".
Dù vậy, sự xuất hiện thường xuyên của ông Obama trên hành trình tranh cử cũng có thể mang lại hiệu ứng không mong muốn. Ed Rollins, người từng phụ trách chiến dịch tái tranh cử của ông Ronald Reagan năm 1984, cho rằng bà Clinton có thể bị lu mờ trước sự cuốn hút mà ông Obama từng thể hiện trong các kỳ tranh cử năm 2008 và 2012.
"Bà ấy đang mệt mỏi", ông Rollins nói. "Có nguy cơ cao rằng bà ấy sẽ bị lu mờ", Rollins nói.
Xem thêm: Món quà quý Tổng thống Obama để lại cho bà Clinton
Hillary Clinton sắp ghế gì cho chồng nếu trở thành tổng thống Mỹ
Hoàng Nguyên
Obama háo hức giúp sức Hillary Clinton đè bẹp Trump - VnExpress