Thế giới

Đầu não hoạch định tương lai của NATO

Donald Trump có thể gọi NATO là "lỗi thời" nhưng tổ chức phòng thủ đa quốc gia này lại khẳng định họ luôn đột phá và không ngừng thay đổi.

dau-nao-hoach-dinh-tuong-lai-cua-nato

Trụ sở chính Bộ Chỉ huy Chuyển đổi Liên minh (ACT) thuộc NATO đặt tại Norfolk, Mỹ. Ảnh: nato.int

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thậm chí còn duy trì một trụ sở chiến lược phục vụ cho công cuộc "chuyển đổi" hay chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống mới xuất hiện trong tương lai. Nó không đặt ở châu Âu như hầu hết các cơ sở khác thuộc NATO mà ngự tại một khu vực chỉ nằm cách thủ đô Washington, Mỹ, vài giờ đi xe, theo CNN.

Nhiệm vụ của nó là đảm bảo NATO có mọi cấu trúc, năng lực, binh sĩ, xe tăng, máy bay và trang bị cần thiết để đương đầu với tất cả các mối đe dọa. NATO còn sở hữu một đội ngũ chuyên nghiên cứu phương pháp tác chiến mạng. Tháng tới, NATO sẽ liệt chiến tranh mạng thành một danh mục tác chiến chính thống, bên cạnh chiến tranh trên không, trên biển, trên đất liền và không gian.

CNN mới đây có cơ hội tìm hiểu công việc mà những chuyên gia hoạch định chiến lược tương lai của NATO thường làm và tham quan trụ sở chính Bộ Chỉ huy Chuyển đổi Liên minh (ACT). Các nhân viên từ tất cả 28 quốc gia thành viên NATO đều tập hợp tại đây, tìm cách để nâng cao năng lực quân sự cho khối.

Người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động chuyển đổi và hiện đại hóa, tướng người Pháp Denis Mercier, không trực tiếp nhắc tới các bình luận của tỷ phú Trump về NATO nhưng quả quyết tổ chức đang nỗ lực để củng cố năng lực ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

NATO đang có "bước ngoặt", ông Mercier nói.

Hoạch định tương lai

Trong một bài phát biểu về chính sách ngoại giao chủ chốt đưa ra hồi tháng 4, ông Trump nói NATO là một cấu trúc "lỗi thời". Theo ông, NATO "cần đối mặt với những thách thức chung, bao gồm khủng hoảng di cư và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo".

Ông Mercier cho rằng NATO đã thích nghi rất tốt với các biến động trên thế giới. Tổ chức đang triển khai quân chiến đấu chống al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), tích cực làm việc để kiềm chế sự bùng lên của các phong trào nổi dậy, tham gia hỗ trợ đối phó nạn buôn người hay khủng hoảng di cư trên biển.

"Tất cả chúng tôi đều nhận thấy những thay đổi trong môi trường an ninh những năm qua", trung tướng không quân Mỹ Jeffrey Lofgren, phó chánh văn phòng phụ trách phát triển năng lực NATO tại trụ sở ACT ở Norfolk, cho hay. "Chúng tôi đang thích ứng với môi trường an ninh mới với những thách thức đến từ mọi phía".

Thực tế, bộ chỉ hủy chuyển đổi được thành lập năm 2002, một thời gian ngắn sau vụ khủng bố 11/9. Trung tâm là một trong hai trụ sở cấp chiến lược của NATO và là cơ sở duy nhất trên đất Mỹ.

NATO là lực lượng dẫn đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Afghanistan. Hồi tháng 10/2001, NATO triển khai chiến hạm, tàu ngầm và máy bay tới Địa Trung Hải để chiến đấu chống hoạt động khủng bố. Và NATO vẫn tiếp tục hỗ trợ huấn luyện một số quốc gia Hồi giáo xử lý mối hiểm họa này.

Song Magnus Nordenman, giám đốc tổ chức Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ cho nỗ lực của bộ chỉ huy chuyển đổi đáng điểm C. Theo ông, bộ chỉ huy "có những đóng góp vô cùng hữu ích nhưng chưa được liên minh tận dụng đúng mức".

Ông Mercier cũng thừa nhận họ có thể làm nhiều hơn thế. Ông nhấn mạnh vào các lĩnh vực hợp tác, trong đó có một sáng kiến do bộ chỉ huy chuyển đổi đưa ra với mục tiêu chia sẻ các thành tựu quân sự nhằm bảo vệ binh sĩ, dân thường cũng như các kiến trúc quan trọng trước những cuộc tấn công tự sát, tấn công bằng thiết bị nổ, tên lửa, vật liệu hóa học, sinh học, nguyên liệu phóng xạ hay các cuộc không kích.

Hồi tháng hai, NATO cũng gửi 7 chiến hạm tới biển Aegean để "hợp tác chống nạn buôn người trong cuộc khủng hoảng di cư", ông Mercier nói, đồng thời lưu ý rằng Iraq có khả năng là một địa điểm khác mà NATO sẽ dồn nhiều nguồn lực hơn nhằm củng cố sức chiến đấu cho lực lượng địa phương.

Ông cho biết các nước đang đối đầu với IS cũng "sử dụng khái niệm và học thuyết NATO" ngay cả khi họ không nằm dưới sự chỉ huy của khối. Điều này khiến họ hoạt động hiệu quả hơn và trở thành những đối tác tin cậy.

Một quan chức NATO cho hay liên minh đang cân nhắc thành lập một trung tâm tình báo mới giúp điều phối việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa các nước thành viên. Đây có thể trở thành một công cụ chống IS hữu hiệu.

Trong khi đó, một số mối đe dọa cũ vẫn còn và NATO vẫn coi việc bảo vệ lợi ích của phương Tây tại lục địa châu Âu là một nhiệm vụ then chốt. Ví dụ, bộ chỉ huy chuyển đổi đang theo dõi sát sao khả năng tích hợp cảm biến và tên lửa chống máy bay của Nga.

Trụ sở ACT ở Mỹ còn giám sát các cuộc tập trận của NATO mà gần đây nhất là sự kiện Trident Juncture 15 trên Địa Trung Hải với 36.000 lính đồng minh từ 30 nước tham gia.

Hôm 6/6, các thành viên NATO phát động một cuộc tập trận mới, Anaconda-16, tại Ban Lan với 31.000 binh sĩ Mỹ, Ba Lan và 17 nước khác tham dự. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từng diễn ra tại quốc gia này.

Theo Mercier, bản thân ông chính là một bằng chứng cho thấy quá trình thay đổi cũng như những tư duy mới mẻ của NATO.

Nước Pháp quê hương ông mới tái gia nhập bộ chỉ huy quân sự NATO từ năm 2009 sau nhiều thập kỷ vắng mặt. Thế nên, ông cho rằng Pháp không chịu ảnh hưởng bởi những gì mà NATO đã phát triển trong quãng thời gian qua.

"Chúng tôi mang một khối óc tươi mới và có lẽ đây lại là điều tốt đối với sự chuyển mình của NATO", Mercier bình luận.

Xem thêm: NATO lo chia rẽ vì nguy cơ chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Vũ Hoàng

VNExpress

Đầu não hoạch định tương lai của NATO - VnExpress


© 2021 FAP
  3,930,937       109/1,389