Thế giới

Cỗ xe tăng có thể bay lượn của Liên Xô

Liên Xô đã thử nghiệm và gần như thành công trong việc phát triển một mẫu xe tăng bay được trong cuộc chiến tranh Vệ quốc chống phát xít Đức.

co-xe-tang-co-the-bay-luon-cua-lien-xo

Mẫu thử nghiệm xe tăng bay A-40 của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia

Sáng sớm 22/6/1941, Đức Quốc xã bất ngờ phát động chiến dịch Barbarossa, huy động 152 sư đoàn bộ binh, 3000 xe tăng, 2.500 máy bay tấn công lãnh thổ Liên Xô dọc tuyến biên giới phía đông của Ba Lan trải dài gần 3.000 km.

Hồng quân Liên Xô khi đó nhận thấy nhu cầu cần có một thứ vũ khí uy lực hơn các vũ khí hạng nhẹ có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng bộ binh và thiết giáp Đức trên chiến trường, nhằm chặn đứng đà tiến công của quân xâm lược phát xít. Một trong số các ý tưởng đó là chế tạo ra những cỗ xe tăng có thể bay được để triển khai nhanh chóng ở chiến trường, theo Tacairnet.com.

Nhiệm vụ này được giao cho Oleg Konstantinovich Antonov, kỹ sư hàng không nổi tiếng của Liên Xô lúc bấy giờ.

Về nguyên tắc, các xe tăng không thể bay bởi ngay từ đầu chúng không có thiết kế khí động học cũng như không có cánh hay động cơ nâng để giúp chúng tự nâng mình trên mặt đất.

Antonov nảy sinh ý tưởng trang bị một đôi cánh Krylya Tanka cho các mẫu xe tăng hạng nhẹ, sau đó treo cỗ máy này vào một chiếc oanh tạc cơ hạng nặng Pe-8 hoặc TB-3.

Khi tác chiến, các oanh tạc cơ sẽ cất cánh, bay đến một địa điểm ở gần chiến trường nhất có thể và thả các xe tăng xuống. Nhờ đôi cánh, xe tăng sẽ bay lượn và đáp xuống trận địa tiền tuyến một cách nhanh chóng để tham chiến cùng bộ binh.

Với trọng lượng chỉ 5,8 tấn và số lượng hàng trăm chiếc, xe tăng T-60 với kíp lái hai người được Antonov lựa chọn cho ý tưởng tạo xe tăng bay.  Trọng lượng của nó tiếp tục giảm xuống khi tháo bỏ pháo, đạn, đèn pha phía trước và tối ưu hóa khối lượng nhiên liệu.

Bộ cánh Krylya Tank có thiết kế gồm hai tầng xếp chồng lên nhau với sải cánh dài gần 18 m và được chế tạo bằng vải bạt và gỗ để giảm trọng lượng. Hai thanh xà dọc có chiều dài 12m được gắn cánh đuôi và bánh lái để có thể di chuyển cùng xe tăng khi tiếp đất. Krylya Tanka được chằng vào nóc xe nhờ các móc nối có thể tháo rời để lính lái xe có thể nhanh chóng thao tác và đưa xe tăng vào chiến đấu ngay khi nó được thả từ máy bay.

co-xe-tang-co-the-bay-luon-cua-lien-xo-1

Sơ đồ thiết kế đôi cánh Krylya Tanka cho A-40. Đồ họa: Tacairnet.com.

Mùa thu năm 1942, Antonov và đội ngũ kỹ sư cơ khí hoàn thành bộ cánh Krylya Tanka trong chưa đầy ba tuần và gắn nó vào môt chiếc T-60 cải tiến. Họ đặt tên cho cỗ xe chiến đấu đặc biệt này là A-40.  Một oanh tạc cơ TB-3 hạng nặng móc A-40 có trọng lượng 7,8 tấn vào dưới thân để tiến hành bay thử ngiệm lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất của dự án.

Sau khi mất nhiều thời gian thao tác chạy đà ở đường băng, oanh tạc cơ TB-3 mang theo xe A-40 đã cất cánh thành công. Sau đó, trục trặc kỹ thuật phát sinh do động cơ quá nóng và tốc độ của máy bay TB-3 bị giảm liên tục.

Phi công lái máy bay TB-3 nhận thấy khối lượng A-40 vẫn quá lớn và là nguyên nhân gây ra lực cản với máy bay và họ buộc phải nhanh chóng thả nó sớm hơn kế hoạch dự kiến. Xe tăng bay A-40 bắt đầu bay lượn.

Phi công sau đó báo cáo A-40 lượn xa hơn dự kiến và ý tưởng tạo ra một chiếc xe tăng bay không hề phi thực tế. Tuy nhiên, việc không có một máy bay đủ mạnh để kéo cỗ xe A-40 nặng 7,8 tấn đạt tốc độ khoảng 160 km/h khiến không quân Liên Xô cho rằng xe tăng bay A-40 không khả thi và ra lệnh hủy dự án này vĩnh viễn. 

Xem thêm: Object 279 - chiếc xe tăng chịu được bom hạt nhân của Liên Xô.

Duy Sơn

VNExpress

Cỗ xe tăng có thể bay lượn của Liên Xô - VnExpress


© 2021 FAP
  2,914,818       12/967