Thế giới

Mỹ muốn gửi thông điệp gì tới Trung Quốc sau chuyến đi của Obama tới Việt Nam

Việc Mỹ gia tăng hợp tác với các nước trong khu vực cho thấy Mỹ muốn lôi kéo thêm các nước để kiềm tỏa Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh sẽ mềm mỏng trong các ứng xử, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.

my-muon-gui-thong-diep-gi-toi-trung-quoc-sau-chuyen-di-cua-obama-toi-viet-nam

Các nước sẽ gia tăng cạnh tranh chào hàng bán thiết bị quân sự cho Việt Nam. Ảnh minh họa: Aviation Spectator

Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao, Chương trình Chi tiêu quân sự và vũ khí, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trao đổi với VnExpress về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama. 

- Theo ông, yếu tố Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama ?

Ngoài việc củng cố quan hệ song phương với Việt Nam, chuyến đi của tổng thống Obama cũng phản ánh mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, với các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác.

Trong khi Mỹ rõ ràng coi Trung Quốc là một "vấn đề tiềm ẩn", các đồng minh của Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ đẩy những yêu sách chủ quyền tới mức họ không muốn. Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama cho thấy Washington muốn kéo Hà Nội về phía mình.

Khi Tổng thống Obama khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không vì yếu tố Trung Quốc, tôi cho rằng ông ấy có hai điều muốn nói: thứ nhất là Mỹ có mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Thứ hai, để xử lý những vấn đề như tranh chấp Biển Đông, Mỹ cần hợp tác với các nước đối tác trong khu vực.

- Ai sẽ hưởng lợi từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, thưa ông?

-  Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Hà Nội có thể tiếp cận công nghệ quân sự của Mỹ mà không cần nhập trực tiếp từ Mỹ, chẳng hạn mua máy bay quân sự của Tây Ban Nha dùng động cơ Mỹ. Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn để mua vũ khí từ nhiều nơi, không chỉ từ đối tác truyền thống như Nga. Như vậy mức độ cạnh tranh sẽ gia tăng giữ các nhà cung cấp để có được thị trường này.

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cũng mở ra cơ hội để Mỹ có một số hỗ trợ quân sự cho Việt Nam như cung cấp một số thiết bị, phụ tùng trang bị mới cho Hà Nội.

Không liên quan đến lệnh bỏ cấm vận, nhưng trong bối cảnh mối quan hệ Việt - Mỹ đã hoàn toàn bình thường và ngày càng tương đồng lợi ích, tôi nghĩ tàu của Mỹ có thể đến thăm Cam Ranh nếu được Hà Nội mời, nhưng chỉ là chuyến thăm hữu nghị và đã có chuyến thăm tương tự của các nước khác. Có thể Washington không thực sự cần đến Cam Ranh về mặt quân sự, nhưng nếu nhìn từ khía cạnh tạo ra sự gắn kết giữa Mỹ cùng bạn bè, đồng minh và đối tác trong khu vực thì điều này có thể xảy ra.

Tôi cho rằng, bất kể ai chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới thì chính sách chung vẫn là coi Trung Quốc là một "vấn đề tiềm ẩn", coi các nước có tranh chấp với Bắc Kinh là bạn bè tiềm năng.

- Ông dự đoán thế nào về tranh chấp biển ở khu vực này tới đây?

- Chúng ta có thể đoán được Trung Quốc sẽ kêu la là bị đẩy vào thế khó, không thể "bị hăm dọa, bị gây áp lực". Tuy nhiên cũng có một khả năng khác mà nhiều người đồng tình với tôi, là khi Trung Quốc nhìn ra "tất cả mọi người đều chống lại mình", họ sẽ tỏ thái độ  mềm mỏng, quay lại bàn đàm phán và giảm bớt thái độ tiêu cực.

Tổng thống Obama đã có tuyên bố cứng rắn tại Hà Nội, khi nói tàu Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông, điều này mang ý nghĩa cảnh báo rằng Trung Quốc không thể chiếm giữ Biển Đông cho riêng mình. Rõ ràng Mỹ không chấp nhận bất cứ quyết định đơn phương nào của Trung Quốc ở vùng biển này. Các nước tuân thủ theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và Mỹ sẽ vẫn duy trì vị trí đã có nhiều thập kỷ nay, là tuần tra ở những khu vực luật pháp quốc tế cho phép.

- Tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ như thế nào khi Mỹ có tổng thống mới?

Chắc chắn một số người ở Mỹ sẽ nói không thể "bỏ qua chiến tranh" nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người ở Mỹ đều nhận thức rõ chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm. Thượng nghị sĩ John McCain, từng là tù binh ở Việt Nam, là ví dụ điển hình cho xu thế hợp tác hướng tới tương lai. Hai nước còn có những khác biệt, trong đó có vấn đề nhân quyền, nhưng nhiều người Mỹ coi Việt Nam là một nước có thể trở thành đồng minh trong tương lai. Điều này sẽ không gây ngạc nhiên. Bạn thấy đấy, việc cải thiện quan hệ tiến triển liên tục. Lệnh cấm vận vũ khí được nới lỏng năm ngoái, và giờ thì dỡ bỏ hẳn. Phía Mỹ khẳng định không còn vấn đề gì với Việt Nam, mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn. Việt Nam là một quốc gia quan trọng về mặt chính trị.

Xem thêm Động cơ thúc đẩy ông Obama bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Việt Anh

VNExpress

Mỹ muốn gửi thông điệp gì tới Trung Quốc sau chuyến đi của Obama tới Việt Nam - VnExpress


© 2021 FAP
  2,931,947       79/1,482