Thế giới

Máy bay không người lái - chiêu hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

Kết hợp các UAV tầm trung và tầm xa, Trung Quốc có thể do thám và tung đòn tấn công bất ngờ vào tàu chiến hoặc căn cứ quân sự các nước trên Biển Đông.

may-bay-khong-nguoi-lai-chieu-hiem-cua-trung-quoc-tren-bien-dong

UAV do thám tầm xa BZK-005 của Trung Quốc. Ảnh: APL Chine

Fox News mới đây công bố những hình ảnh thu được từ vệ tinh quốc tế ImageSat cho thấy dường như Trung Quốc đã triển khai các máy bay không người lái (UAV) do thám tầm xa Harbin BZK-005 do nước này sản xuất trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tin tức về động thái quân sự mới của Bắc Kinh trên Biển Đông xuất hiện khi Tổng thống Mỹ Obama vừa tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam khi đến thăm Hà Nội ngày 23/5 vừa qua.

Các chuyên gia của Diplomat cho rằng đây không phải là hành động bất ngờ, thậm chí là một bước đi đã được dự đoán từ trước của lãnh đạo quân sự Trung Quốc sau việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không và radar cao tần nhằm tăng cường mở rộng sức mạnh quân sự trên Biển Đông.

Harbin BZK-005 là máy bay không người lái do thám tầm xa có thể hoạt động liên tục 40 giờ và không trang bị vũ khí. Nếu như cách đây ba năm, việc điều UAV đến các khu vực xa xôi như Biển Đông là một nỗ lực khó khăn với Bắc Kinh, thì giờ đây nguy cơ vùng biển này sẽ biến thành một mặt trận ganh đua quyết liệt về UAV tầm xa giữa Trung Quốc với các nước đã hiển hiện trước mắt.

Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này còn sở hữu một loại UAV tầm xa mới có tên là Li Jian (Lợi Kiếm). Với bán kính hoạt động 4.000 km, Lợi Kiếm có thể mang theo bom, tên lửa để tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở tây Thái Bình Dương, và có thể được triển khai hoạt động ở eo biển Đài Loan, Biển Đông.

"Vùng trời trên các đảo có tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông đang ngày càng trở thành mặt trận của các cuộc cạnh tranh về UAV", ông Michael Boyle, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định.

Theo ông Boyle, công nghệ UAV đang thay đổi cơ bản các định nghĩa về cạnh tranh toàn cầu cũng như các quy tắc cơ bản đối với nhiều cuộc xung đột và đối đầu kéo dài. Theo đó, với các thiết bị do thám không người lái được triển khai hàng loạt, quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát những thay đổi trên bề mặt các đảo, nắm tình hình bố phòng của lực lượng đồn trú trên đảo, giám sát sự di chuyển của tàu thuyền, từ đó đề ra các chiến lược đối phó trước một thời gian dài.

may-bay-khong-nguoi-lai-chieu-hiem-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-1

Mô hình UAV tấn công Lợi Kiếm của Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Chuyên gia Ian Easton, người từng nghiên cứu rất nhiều tạp chí kỹ thuật quân sự bằng tiếng Trung của Bắc Kinh cho rằng không như UAV Mỹ, các UAV của Trung Quốc được thiết kế để tác chiến ở không phận hẹp, rất phù hợp để theo dõi và thậm chí tham chiến tại Biển Đông. Một số sĩ quan quân đội Trung Quốc thậm chí đã nghĩ đến việc sử dụng chiến thuật "bầy" UAV để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn của đối phương, đặc biệt là các tàu sân bay của Mỹ.

Để thực hiện chiến thuật này, Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất một lực lượng UAV hùng hậu 42.000 chiếc với tổng trị giá khoảng 10,5 tỷ USD trong giai đoạn từ 2014 đến 2023, theo National Interest.

Cũng trong năm 2015, truyền thông Mỹ dẫn bản báo cáo của Viện Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Washington cho thấy, trong tương lai gần, Trung Quốc có thể gây tổn thất nặng nề mang tính hủy diệt cho quân đội Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay và các căn cứ hải quân, bằng các loại vũ khí mới.

Một trong những vũ khí mới nguy hiểm nhất của Bắc Kinh là các UAV có tầm bay xa và thời gian hoạt động lâu dài đang được nước này nghiên cứu, thiết kế và phát triển số lượng lớn.

Nếu như các UAV tầm trung được sử dụng chủ yếu để do thám thì những UAV tầm xa dạng này có thể giáng những đòn tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự các nước láng giềng cũng như các căn cứ chiến lược của Mỹ ở Okinawa, Philipphines hoặc trên đảo Guam.

Trung Quốc thử nghiệm UAV Lợi Kiếm

Khi xảy ra xung đột, hàng loạt UAV Trung Quốc sẽ tấn công hết đợt này đến đợt khác, vô hiệu hóa hệ thống phòng không chiến trường và giáng những đòn mang tính hủy diệt bằng bom điều khiển và tên lửa xuống đầu đối phương.

Các UAV Trung Quốc sẽ tác chiến trong một đội hình được chia thành nhiều nhóm không đồng nhất, có thể được tiếp dầu trên không, tự cất hạ cánh trên các căn cứ và tàu sân bay, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, dẫn đường.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang xây dựng hai căn cứ UAV để giám sát khu vực Hoàng Hải và vịnh Bột Hải, trong khi cục Hải dương quốc gia Trung Quốc từng tuyên bố sẽ lập 11 căn cứ UAV tại mỗi tỉnh duyên hải.

"Trung Quốc thực sự đang sử dụng các UAV quân sự như một công cụ để tăng cường sức mạnh hải quân, với tham vọng tạo ra ưu thế vượt trội so với lực lượng các nước láng giềng trên biển. Điều này càng khiến cục diện an ninh khu vực thêm phức tạp", các chuyên gia của Diplomat nhận định. 

Xem thêm: Hiểm họa từ hệ thống radar Trung Quốc đặt ở Trường Sa.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

Máy bay không người lái - chiêu hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông - VnExpress


© 2021 FAP
  3,956,589       3/930