Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua thông qua nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp, và chứng kiến những quan điểm trái ngược hoàn toàn trong vấn đề này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về cuộc trưng cầu dân ý của Crimea hôm 16/3. Ảnh: Reuters |
Dự thảo nghị quyết về vấn đề Crimea được thông qua 100 với phiếu thuận, 11 phiếu chống, 58 phiếu trắng. 20 nước không tham gia bỏ phiếu. Khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc về pháp lý.
Nội dung của nghị quyết là bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, coi đây "là việc làm không có giá trị và không phải là cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào của Cộng hòa tự trị Crimea hay thành phố Sevastopol". Nghị quyết yêu cầu các quốc gia không công nhận bất kỳ sự thay đổi nào về hiện trạng của bán đảo này. Liên Hợp Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
"Tôi rất hài lòng với kết quả của cuộc bỏ phiếu với phần lớn các quốc gia trên thế giới ủng hộ nghị quyết", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cho hay.
"Tôi tin rằng cuộc bỏ phiếu hôm nay sẽ giúp ngăn chặn nhiều động thái tấn công. Nó đưa ra một thông điệp quan trọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép vấn đề ở Crimea sẽ tạo ra tiền lệ vi phạm các nguyên tắc luật pháp quốc tế", ông nói thêm.
Các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa nhấn mạnh cái mà họ gọi là sự cô lập Nga.
Vitaly Churkin, Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ), cho biết: "Nga không thể từ chối những người dân của Crimea mong muốn được ủng hộ quyền tự quyết để có thể thực hiện khát vọng lâu dài của họ". Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông kêu gọi các quốc gia ủng hộ quyền tự quyết và tôn trọng sự lựa chọn của Crimea.
Churkin cho rằng cuộc bỏ phiếu này là một "chiến thắng về mặt đạo đức" đối với chính sách ngoại giao của Nga, đồng thời chỉ ra gần một nửa thành viên của LHQ từ chối ủng hộ bản dự thảo nghị quyết. "Ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu hiểu được tính chất phức tạp của tình hình và những động cơ đằng sau hành động của Crimea và Liên bang Nga", ông nói.
Dự thảo nghị quyết được Ukraine gửi lên Đại hội đồng LHQ, tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga của Crimea là không hợp lệ. Văn bản được viết với giọng điệu trung lập, không nhắc trực tiếp đến Nga.
Văn bản này tương tự như dự thảo Nghị quyết được Mỹ soạn thảo và gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ hôm 19/3 với sự ủng hộ của 13 thành viên. Nga phủ quyết nghị quyết trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Thùy Linh
Liên Hợp Quốc chia rẽ trong vấn đề Crimea - VnExpress