Chuỗi núi lửa ngầm ở đáy Ấn Độ Dương được cho là khiến việc tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay MH370 trở nên khó khăn hơn.
Những núi lửa ngầm ở đáy đại dương có thể làm cản trở quá trình tìm kiếm chuyến bay MH370. Ảnh minh họa: Indotraveltips |
Theo Robin Beaman, một chuyên gia địa chất ngầm thuộc Đại học James Cook ở Queensland, Australia, sự hiện diện các núi lửa ngầm đồng nghĩa với việc đáy đại dương rất gồ ghề, có nhiều rãnh và chỏm, liên tục thay đổi trạng thái do các dòng nham thạch bên dưới. "Thật không may nếu các mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích rơi xuống khu vực mỏm núi lửa. Việc tìm kiếm sẽ trở nên khó khăn hơn", SCMP dẫn lời ông Beaman nói.
Hàng chục máy bay của các nước Australia, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm nay tiếp tục quần thảo tại khu vực cách thành phố Perth của Australia 2.500 km về phía tây nam, để tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay có thể trôi nổi ở đây. Cuộc tìm kiếm phải dừng trong ngày hôm qua vì thời tiết xấu.
Trung Quốc có thêm 4 tàu tham gia tìm kiếm, cùng với một đội tàu hải quân quy mô nhỏ và hai trực thăng đến khu vực tìm kiếm trước đó. Đội tàu này gồm một tàu khu trục tên lửa, một tàu đổ bộ, một tàu cung ứng lớn, đã tham gia tìm kiếm ở Vịnh Thái Lan tuần trước. Trung Quốc cũng triển khai tàu phá băng Tuyết Long đến khu vực tìm kiếm.
Một chiếc trực thăng của Trung Quốc tham gia cuộc tìm kiếm. Ảnh: South China Morning Post. |
Tàu hải quân Australia HMAS Success hôm nay trở lại rà quét bề mặt Ấn Độ Dương sau khi phải rời đi do sóng lớn ngày hôm qua.
Cơ quan An ninh Hàng hải Australia cho biết, cuộc tìm kiếm được chia thành ba khu vực trong cùng không gian, trên diện tích 80.000 km vuông. Tầm nhìn lên đến 10km được coi là thuận lợi, nhưng việc tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay khá phức tạp do sóng lớn, hãng tin Xinhua nhận định.
Thủ tướng Australia Tony Abbott nói việc tìm kiếm, trong giai đoạn này sẽ tiếp tục cho tới khi không còn hy vọng tìm thấy gì. "Cuộc tìm kiếm không hoàn toàn là vô thời hạn nhưng chúng tôi không dễ dàng từ bỏ", ông khẳng định.
Nhà chức trách các nước liên quan đang phải đối mặt với nhiệm vụ tìm được mảnh vỡ máy bay và thiết bị hộp đen của chiếc MH370. Mark Binskin, Phó Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia nói: "Chúng tôi không cố tìm một cái kim trong một đống rơm. Chúng tôi vẫn cố gắng xác định vị trí của đống rơm đó".
Hôm 24/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak xác nhận chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, xuất phát từ Kuala Lumpur hôm 8/3 và dự kiến bay tới Bắc Kinh, đã kết thúc hành trình tại nam Ấn Độ Dương. Dựa theo dữ liệu phân tích vệ tinh của công ty Inmarsat của Anh, ông khẳng định chiếc Boeing 777 bị rơi xuống khu vực hẻo lánh, cách xa bất kỳ nơi nào có thể hạ cánh. Toàn bộ 239 người trên máy bay không còn khả năng sống sót.
Hôm qua, hàng trăm thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 tuần hành đến đại sứ quán Malaysia ở Trung Quốc, yêu cầu có thêm câu trả lời về số phận máy bay mất tích.
Khánh Lynh
Núi lửa ngầm khiến việc tìm MH370 khó hơn - VnExpress