Thế giới

Sáp nhập Crimea, Nga đẩy NATO vào thế bí

Những bước đi dứt khoát của Nga trong vấn đề Ukraine và Crimea đã đẩy NATO vào tình thế không có nhiều lựa chọn cho việc thể hiện vị thế của một khối liên minh quân sự, khi Mỹ cũng mới chỉ dừng lại ở những lệnh trừng phạt.

crimea2-3798-1395285999.jpg

Các công nhân thay biển hiệu mới ở tòa nhà quốc hội Crimea tại thủ phủ Simferopol hôm qua, sau khi nước cộng hòa tự trị này sáp nhập Nga. Ảnh: Reuters

Sự kiện Crimea cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thực hiện hành động quyết đoán mang tính toàn cầu, và cho phương Tây thấy rằng Nga có những lợi ích mà sẽ bảo vệ đến cùng.

Ukraine khó có thể gia nhập NATO

Bên cạnh mục tiêu kiểm soát các khu vực nói tiếng Nga, Kremlin còn phải đảm bảo Ukraine sẽ không hiện thực hóa "cơn ác mộng tồi tệ nhất", đó là gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thách thức hiện nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama là có biện pháp nào để ngăn Nga tiến thêm tới các phần còn lại của Ukraine không. James Goldgeier, chủ nhiệm Khoa Quốc tế thuộc Đại học Mỹ (American University) cho rằng việc đảm bảo Ukraine không đi theo phương Tây quan trọng hơn cả với Putin.

Hôm 17/3, Bộ Ngoại giao Nga có tuyên bố vạch ra tầm nhìn của thỏa thuận về Ukraine, quyền tự trị rộng rãi của các khu vực của Ukraine có thể đưa đất nước trở thành liên bang và nên được chấp thuận bởi cuộc trưng cầu dân ý trên khắp Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tình trạng trung lập của Ukraine phải được Nga, Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận, với mục tiêu là ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Oleksandr Chalyi, cựu thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của Ukraine nhận định, nguyên nhân cơ bản của xung đột hiện nay là Nga lo ngại Ukraine trở thành thành viên của NATO. Ông thúc giục chính phủ Mỹ chấp thuận đề xuất của Nga là đảm bảo vị trí trung lập của Ukraine.

Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm 18/3 phát biểu trên truyền hình rằng, việc gia nhập NATO "không có trong chương trình nghị sự" của Ukraine. "Một quân đội Ukraine hiện đại sẽ bảo vệ đất nước", ông Yatsenyuk nói.

Kiev đã theo đuổi mối quan hệ thân cận hơn với khối liên minh NATO do Mỹ giữ vai trò chi phối trước khi cựu Tổng thống Yanukovich nắm chính quyền hồi năm 2010. Ông Yanukovich sau đó chính thức từ bỏ ý định trở thành thành viên của NATO, tuyên bố quan điểm trung lập của Ukraine khi bị kẹt giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, chuyên gia Fiona Hill, thuộc Viện Brookings ở Washington, cho rằng, NATO sẽ không từ bỏ ý định mở rộng cửa chào đón Ukraine trong tương lai. Robin Niblett, giám đốc Chatham House, Học viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế tại London thì nhận định, việc khuyến khích Ukraine gia nhập NATO hiện nay sẽ gây hại cho an ninh của cả châu Âu.

NATO tiến thoái lưỡng nan

Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Truxtun trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen hôm qua, cách bán đảo Crimea chỉ vào trăm km. Ảnh: Reuters

Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Truxtun trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen hôm qua, tức là chỉ cách bán đảo Crimea vài trăm km. Ảnh: Reuters

Trên Gazeta.ru, Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng Các chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga viết, Moscow đã bắt đầu một cuộc chơi nghiêm túc. "Rủi ro rất lớn, nhưng cái đạt được cũng rất hấp dẫn. Trật tự thế giới cũ ngưng hoạt động và trật tự mới sẽ sớm được hình thành", ông Lukyanov nói.

Ian Bond, giám đốc về chính sách ngoại giao tại Trung tâm Cải cách châu Âu đặt tại London cho rằng, Putin đang "tạo việc làm" cho NATO. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là "NATO có tham gia cuộc chơi không?". Thời điểm này có tính quyết định cho việc Putin tiến thêm các bước. Nếu các lực lượng của Nga tiến vào miền đông của Ukraine, thì NATO có làm vậy không?

Kể từ khi khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu, Mỹ, với tư cách là đồng minh, đã gửi thêm máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan và loại F-15 tới Baltic. Washington còn khởi động Hệ thống kiểm soát và Cảnh báo Trên không (AWACS) ở biên giới Ba Lan và Romania, cũng như diễn tập của tàu chiến ở Biển Đen.

"Là đồng minh của NATO, chúng ta có cam kết nghiêm túc với tình hình quốc phòng chung, và chúng ta sẽ giữ vững cam kết đó", Tổng thống Mỹ Obama khẳng định hôm 17/3.

Tuy nhiên, khi Putin cho rằng Nga có quyền bảo vệ người Nga ở khắp nơi, Mỹ sẽ phải chịu thêm áp lực duy trì và thể hiện sức mạnh quân sự ở châu Âu, cùng lúc với việc "xoay trục về châu Á".

Một cựu quan chức an ninh cấp cao của chính quyền Obama nhận định, tình hình thế giới hiện nay "rất xấu, dẫn tới những tính toán sai lầm". Tuần trước, Obama đã phái phó Tổng thống Mỹ Biden tới Đông Âu nhằm xoa dịu lo lắng. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 18/3 nói, tình hình Ukraine là một thách thức với cả thế giới, nên không chỉ Ba Lan mà cả châu Âu phải lên tiếng mạnh mẽ.

Phát biểu tại Viện Brookings hôm 19/3, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen miêu tả hành động can thiệp quân sự của Nga vào Crimea là "nguy cơ trầm trọng nhất" với an ninh châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cả Mỹ và NATO đều hứa sẽ hỗ trợ thêm về quân sự cho Ukraine. Ông Rasmussen cho biết, liên minh này đang cân nhắc việc hỗ trợ thêm để giúp Ukraine ngăn chặn Nga can thiệp quân sự. "Tôi chắc chắn NATO sẽ hỗ trợ Ukraine", người đứng đầu NATO nói. Ông Rasmussen hy vọng cuộc gặp các ngoại trưởng của NATO trong cuộc họp từ 1-2/4 tới sẽ đưa ra quyết định cung cấp những gì.

Tuy nhiên, chính ông Rasmussen, khi tới Washington hôm 18/3, trong lúc ăn tối cùng Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, đã khẳng định rõ ràng là NATO không thể đảm bảo ổn định ở châu Âu. Việc can thiệp quân sự nhân danh Ukraine sẽ không "ngon ăn" đối với Mỹ hay NATO.

Khánh Lynh (tổng hợp)

VNExpress

Sáp nhập Crimea, Nga đẩy NATO vào thế bí - VnExpress


© 2021 FAP
  3,682,460       1/259