Thế giới

Vụ mất tích giữa Đại Tây dương của máy bay Pháp

Trong đêm tối, chiếc máy bay chở 228 người của Air France đang mải miết bay trên Đại tây dương bỗng chao đảo, chết sững giữa không trung, rồi lao xuống trong tai nạn thảm khốc năm 2009.

Bản đồ chuyến bay AF 447 của Air France. 1. Máy bay cất cánh từ Rio de Janeiro lúc 22h03 ngày 31/52. Máy bay thực hiện liên lạc lần cuối với radar khi bay phía trên quần đảo Fernando de Noronha của Brazil lúc 1h333. Máy bay gửi tín hiệu tự động báo sự cố lúc2h14 và mất tín hiệu từ đó4. Máy bay dự kiến đến Paris lúc 9h10 

Bản đồ chuyến bay AF 447 của Air France. 
1. Máy bay cất cánh từ Rio de Janeiro lúc 22h03 ngày 31/5.
2. Máy bay liên lạc lần cuối với radar khi bay phía trên quần đảo Fernando de Noronha của Brazil lúc 1h33.
3. Máy bay gửi tín hiệu tự động báo sự cố lúc 2h14 và mất tích từ đó.
4. Máy bay dự kiến đến Paris lúc 9h10. Đồ họa: Wikipedia

Đêm 31/5/2009, máy bay của Air France, cất cánh từ thành phố Rio de Janeiro, Brazil, mang theo 228 người, trong đó có 216 hành khách với phần lớn là người có quốc tịch Brazil và Pháp. Nó dự kiến hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle, ở Paris, Pháp, vào lúc 9h10 (giờ GMT) ngày hôm sau.

Sau 2h sáng, cơ trưởng chuyến bay AF 447 đi tiến hành một kiểm tra thông thường, trong khi hai phi công phụ điều khiển máy bay trong buồng lái. Ngay sau đó các phi công này nhận ra họ đang phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp.

2h10, cơ chế lái tự động bị vô hiệu. Máy bay lộn vòng về bên phải. Các phi công cố gắng nâng độ cao của máy bay, nhưng tốc độ vẫn giảm. Cảnh báo máy bay đang tròng trành vang lên hai lần. Trong khoảng thời gian chưa đầy một phút sau đó, các tốc độ hiển thị trên màn hình chính bên trái buồng lái liên tục thay đổi.

2h11, cơ trưởng trở lại buồng lái. Máy bay vẫn giảm hơn 3 km độ cao mỗi phút, tiếp tục lao xuống, cảnh báo lại vang lên.

Trong 2 phút 48 giây kể từ khi cơ trưởng trở lại, tất cả phi hành đoàn tuân theo các chỉ dẫn từ kiểm soát không lưu. Tuy nhiên, họ không thể cứu vãn được tình hình.

2h14, tức là bốn giờ sau khi cất cánh, hộp đen máy bay ngừng hoạt động.

Sau tổng cộng gần 4 phút vật lộn, chiếc A330 lao thẳng từ trên bầu trời xuống đại dương, vỡ tan khi chạm mặt nước. Thiết bị phát tín hiệu định vị trong trường hợp khẩn cấp không hoạt động. Không ai biết chắc chuyện gì đã xảy ra và vị trí chiếc máy bay ở đâu.

Đó là những phút cuối của chiếc phi cơ xấu số, theo báo cáo của ủy ban điều tra thuộc BAE đưa ra gần 4 năm sau tai nạn.

Chiến dịch tìm kiếm quốc tế

Một chiến dịch lớn tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích diễn ra ngay lập tức với sự tham gia của hàng loạt máy bay và tàu quân sự từ Pháp, Brazil, Tây Ban Nha, Senegal và Mỹ. 

Sáng ngày 2/6/2009, các máy bay không quân Brazil phát hiện các mảnh vỡ trên đại dương. Tuy nhiên, lực lượng này sau đó khẳng định chúng không phải là xác chiếc máy bay bị nạn. Vết dầu loang ở khu vực cũng không phải là vết dầu chảy ra từ chiếc phi cơ của Air France. 

Việc tìm kiếm ngầm cũng gặp khó khăn do không thể nhận được sóng âm từ thiết bị định vị khẩn cấp sau khi máy bay rơi xuống nước.

Ngày 6/6, lực lượng tìm kiếm Brazil mới vớt được hai thi thể đầu tiên và một vali chứa vé của chuyến bay 447 trên Đại Tây Dương, tại vị trí cách quần đảo Fernando de Noronha của Brazil khoảng 640 km về phía đông bắc. Cuối tháng đó, vẫn chỉ có 50 thi thể được vớt lên từ đại dương.

air-france-7518-1394522659.jpg

Một mảnh vỡ của máy bay Air France được trục vớt ở Đại Tây Dương vào tháng 6/2009. Ảnh: AP.

Video Brazil trục vớt mảnh vỡ máy bay

Mãi đến tháng 5/2011, sau chiến dịch tìm kiếm kéo dài gần hai năm với nhiều phương tiện ngầm và trên mặt nước, hai hộp đen của máy bay mới được tìm thấy và đưa lên từ độ sâu gần 4.000 m dưới đáy biển. Thi thể của 104 người khác cũng được trục vớt nhưng 74 người còn lại chưa được tìm thấy.

Đây là thảm kịch hàng không dân dụng tồi tệ nhất thế giới kể từ sau khi một chiếc máy bay của hãng American Airlines đâm xuống vùng ngoại ô thành phố New York làm chết 265 người vào ngày 12/11/2001. Đây cũng là tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 75 năm của hãng hàng không Air France.

Báo cáo cuối cùng của Ủy ban điều tra kết luận rằng ở độ cao 12 km, các tinh thể băng đã bám đầy vào ống pitot của bộ cảm biến đo tốc độ của máy bay, khiến cơ chế lái tự động bị vô hiệu. Việc xử lý tình huống của các phi công sau đó đã không thể làm cho máy bay giữ được thăng bằng và độ cao cần thiết, khiến máy bay lao xuống biển.

Anh Ngọc (tổng hợp)

VNExpress

Vụ mất tích giữa Đại Tây dương của máy bay Pháp - VnExpress


© 2021 FAP
  3,682,432       1/259