Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) e ngại Nga vì lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ nước này, nhưng Mỹ cũng có thể thông qua việc xuất khẩu khí đốt để phá thế thượng phong của Moscow.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner (trái) đang hối thúc Tổng thống Barack Obama đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Từ năm 2011, bộ Ngoại giao Mỹ từng đề nghị tận dụng nền công nghiệp khí đốt phát triển của nước mình như một quân bài ứng phó với Nga. Đề xuất này ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, khi Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga gần đây tuyên bố chấm dứt cơ chế ưu đãi giá cho Ukraine. 60% lượng khí đốt của quốc gia cựu thành viên Liên bang Xô viết này là do Gazprom cung cấp.
Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện và các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Mỹ đồng loạt hối thúc Tổng thống Barack Obama tăng tốc tiến trình xuất khẩu khí đốt. Điều này vấp phải sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường, một bộ phận thành viên đảng Dân chủ và giới doanh nghiệp chế tạo hưởng lợi từ ưu thế năng lượng bản địa. Tuy nhiên, cục diện hiện nay tại Crimea làm giảm sức ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trên.
Theo nhiều chuyên gia, sách lược của chính phủ Obama là giảm thiểu lượng xuất khẩu khí đốt của Nga một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, từ đó kiềm chế hành động của Moscow trong tương lai. Washington hoàn toàn có ưu thế, bởi Mỹ đang áp sát Nga để trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Nga hiện vẫn là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất toàn cầu.
"Vị thế để chúng tôi can thiệp vào đã khác, bởi nguồn năng lượng mà chúng tôi sản xuất hiện nay đã nhiều hơn", New York Times dẫn lời ông Jason Bordoff, người từng phụ trách vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC).
Mỹ hiện vẫn chưa xuất khẩu khí đốt bản địa, nhưng bộ Năng lượng nước này đã cấp giấy phép cho một số doanh nghiệp trong nước, cho phép xuất khẩu khí đốt bắt đầu từ năm 2015.
Ngày 4/3, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố: "Tổng thống có thể và hoàn toàn nên thực thi ngay lập tức biện pháp dưới đây. Đó là tăng tốc hết mức quá trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt của Mỹ. Mỹ có nguồn dự trữ khí đốt rất dồi dào, và đồng minh của chúng ta lại rất cần nguồn năng lượng này".
Ông cũng chỉ ra Moscow đang lợi dụng ưu thế trên để đạt được mục tiêu địa chính trị của mình. "Chúng ta không thể để đồng minh tiếp tục phụ thuộc vào Putin. Cần chấm dứt ngay tình trạng trừng phạt trên thực tế này, tăng tốc tiến trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt. Đây là biện pháp rõ ràng để Mỹ ủng hộ đồng minh".
Hợp đồng khí đốt năm 2009 giữa chính phủ Ukraine và Gazprom khiến Kiev càng yếu thế trước Moscow. Ảnh: Financial Times |
Ngoài ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử, khí đốt chính là mối liên hệ quan trọng hàng đầu trong quan hệ Nga-Ukraine. Đây vừa là ưu thế, mà cũng là điểm yếu của cả hai nước.
Đối với Moscow, nguồn cung khí đốt có vai trò quan trọng không kém gì quân đội trong việc duy trì sức ảnh hưởng với các quốc gia từng thuộc Liên Xô. Nếu như không có nguồn năng lượng này, Ukraine sẽ lập tức rơi vào bế tắc. Nhưng đây cũng là nguồn thu quan trọng của Nga, bởi nước này phải cung cấp khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng ký kết từ trước. 63% lượng khí đốt xuất khẩu phải đi qua hệ thống ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine.
Nga là một quốc gia dầu khí, bởi một nửa thu nhập của chính phủ nước này phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, trong đó khí đốt chiếm một phần ba. 13% lượng khí đốt của Gazprom do Ukraine tiêu thụ. Tiền thân của công ty này là bộ Khí đốt Liên Xô.
Ukraine đang nợ Gazprom khoảng 4,6 tỷ USD, bao gồm tiền khí đốt và tiền công ty này cho Kiev vay để trả nợ, chuyên gia phân tích Dmitri Petrov thuộc công ty chứng khoán Nomura chi nhánh London cho biết.
"Nga luôn coi khí đốt là công cụ để gia tăng sức ảnh hưởng. Bạn nợ Gazprom càng nhiều tiền, thì họ càng cho rằng có thể tăng cường sức ép lớn hơn nữa", ông David Dalton, Tổng biên tập tờ Economist Intelligence, bình luận.
Hôm qua, ông Alexey Borisovich Miller, Giám đốc điều hành Gazprom, tuyên bố Nga không thể cung cấp khí đốt cho Ukraine miễn phí và cảnh báo nếu Kiev không thanh toán các khoản nợ thì quốc gia này có thể trở lại tình hình giống như cuộc khủng hoảng khí đốt đầu năm 2009.
Năm 2009, vì mâu thuẫn trong vấn đề nợ khí đốt, Nga đã cắt nguồn cung của Ukraine và khu vực đông nam châu Âu trong vòng hơn hai tuần. Theo ông Dalton, từ đó đến nay, Kiev tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc trên và Moscow cũng tìm đường vận chuyển khác.
Cuộc đối đầu năm 2009 kết thúc với một bản hợp đồng gây tranh cãi giữa cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko và Gazprom. Theo đó, trong thời gian 10 năm. Ukraine phải trả tiền cho 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, bất kể có sử dụng hết hay không. Năm 2011, quốc gia này chỉ sử dụng hết 44 tỷ mét khối, và giảm xuống còn 28 tỷ mét khối trong năm 2013.
Cũng chính vì bản hợp đồng trên, mà ông Viktor Yanukovych chiến thắng trước bà Tymoshenko trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Năm sau, nữ hoàng khí đốt chịu án tù với tội danh lạm quyền.
Khoảng 30% nguồn cung khí đốt của châu Âu là từ Nga. Đồ họa: CNN |
Giống như Ukraine, châu Âu cũng lệ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Theo một quan chức thuộc ngân hàng Commerz của Đức, ít nhất 22% lượng khí đốt của EU đến từ Nga, còn theo CNN con số này có thể lên đến 30%.
Mặc dù EU đã và đang triển khai các kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và phát triển nguồn năng lượng thay thế, nhưng sự lệ thuộc trên vẫn còn rất lớn. 35% lượng khí đốt của Đức là do Gazprom cung cấp. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Angela Merkel không mong muốn một lệnh trừng phạt vội vàng.
"Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng chúng tôi mong muốn đạt được mục tiêu thông qua đàm phán. Nhưng nếu hy vọng không còn, thì chúng tôi đã chuẩn bị để áp đặt lệnh trừng phạt, căn cứ theo tình hình tại Crimea", bà Merkel nói.
Gazprom là một công ty cổ phần, với cổ đông rải rác khắp thế giới. Nhưng đây cũng là một thực thể bao gồm cả lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia. Chính phủ Nga nắm một nửa cổ phần của Gazprom, nhưng có quyền điều hành tuyệt đối lên công ty này. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định Gazprom là công cụ ngoại giao đắc lực của Nga trên ván bài địa chính trị với phương Tây.
“Gazprom đã gia tăng thị phần tại thị trường châu Âu do sức sản xuất nội địa tại một số quốc gia châu Âu như Anh và Na Uy đã giảm sút. Chúng tôi không thấy có các dấu hiệu cho thấy tình hình tại châu Âu sẽ thay đổi", Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev cho biết.
Đức Dương (theo New York Times)
Mỹ muốn kìm chế Nga thông qua xuất khẩu khí đốt - VnExpress