Thế giới

Người thiểu số chạy khỏi Crimea

Hàng trăm người dân, thuộc tộc người Tatars và ủng hộ chính quyền mới Ukraine, đã rời khỏi Crimea bằng tàu hỏa, trong bối cảnh lực lượng thân Nga đang chiếm ưu thế tại nước cộng hòa tự trị này.

Một cô gái người Tatars trong cuộc biểu tình chống chiến tranh ở thị trấn Bakhchisaray, Crimea. Ảnh: Reuters

Một cô gái người Tatars trong cuộc biểu tình chống chiến tranh ở thị trấn Bakhchisaray, Crimea. Ảnh: Reuters

"Chừng nào các binh sĩ thân Nga còn xuất hiện ở Crimea thì tôi vẫn còn lo sợ cho các con", một phụ nữ trẻ người Tatars nói khi đến thành phố Lviv, phía tây Ukraine, cùng ba đứa con từ hai đến 5 tuổi. "Ở đây tôi cảm thấy an toàn".

Người mẹ trẻ này là một trong 200 cư dân Crimea chấp thuận lời mời từ chính quyền Lviv để đến thành phố nằm sát biên giới Ba Lan này sinh sống.

Crimea, quốc gia tự trị nằm trên bán đảo cùng tên ở phía nam Ukraine, có đa phần dân cư thuộc tộc người Nga và nói tiếng Nga. Lực lượng ủng hộ Moscow đã giành quyền kiểm soát Crimea nhiều ngày qua, trong khi quốc hội nước cộng hòa này cũng vừa bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập vào Nga. Viễn cảnh Crimea bị chia tách khỏi Ukraine ngày càng hiện rõ.

Hầu hết người dân Crimea hiện sống ở Lviv là người Tatars, một tộc người Hồi giáo thiểu số trên bán đảo. Họ từng bị chính quyền Xô viết trục xuất đến Siberia và Trung Á, rồi quay lại Crimea sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Họ xem sự hiện diện ngày càng lớn của lực lượng thân Nga ở Crimea là đáng báo động.

Ở Lviv, những người mới đến được Petro Kolodiy, chủ tịch hội đồng khu vực, chào đón. Cơ quan này đã thiết lập một đường dây nóng cho bất cứ ai có nguyện vọng tái định cư ở đây.

"Giống như tất cả người Ukraine, các bạn đang ở trong tình trạng khó khăn. Lviv sẽ mở rộng vòng tay với các bạn", ông nói với những cư dân mới của thành phố.

Không chỉ giới chức mà người dân địa phương cũng hân hoan chào đón 500 người Crimea. Các chủ khách sạn, spa, thậm chí còn cho họ ở miễn phí.

"Khi tôi còn bé, bà tôi từng kể rằng Lviv đã giúp đỡ những người dân ở đông Ukraine trong suốt nạn đói khủng khiếp năm 1932-1933 và chia sẻ với họ đến miếng bánh mỳ cuối cùng", ông Kolodiy nói. "Hôm nay, chúng tôi cũng đang cố gắng cho người Crimea những gì có thể". 

Sẵn sàng cho chiến tranh du kích

tatars1-1248-1394179138.jpg

Các nhà hoạt động cầm cờ của người Tatars và quốc kỳ Ukraine, hô vang "Crimea không phải là Nga" trong cuộc biểu tình ở thủ phủ Simferopol hôm 26/2. Ảnh: EPA

Ngoài người Tatars, các gia đình binh sĩ Ukraine ở Crimea cũng đến Lviv.

Một lá cờ của hải quân Ukraine, được một sĩ quan dự bị tặng cho thị trưởng thành phố, đang tung bay trên nóc tòa thị chính như một dấu hiệu biểu thị sự đoàn kết của các binh sĩ Ukraine.

Từ khi ông Viktor Yanukovych rời Kiev hồi tháng trước, lực lượng thân Nga đã bao vây nhiều căn cứ quân sự của Ukraine tại Crimea, dẫn đến đụng độ tại một số điểm. Moscow tuyên bố chưa gửi quân đến khu vực này, nhưng khẳng định có quyền bảo vệ các công dân của mình ở nước láng giềng.

Ukraine đang ở trong tình trạng chia rẽ giữa phần phía đông ủng hộ Nga và phần phía tây, trong đó có thành phố Lviv và thủ đô Kiev, ủng hộ châu Âu.

Alim Aliyev, đại diện của người Tatars tại Lviv, cho hay ông rất lạc quan về tương lai của Crimea. Những người đàn ông Tatars đã gửi gia đình đến đây để có thể toàn tâm bảo vệ mảnh đất của họ.

"Một khi người Tatars còn ở Crimea, Crimea sẽ vẫn là một phần của Ukraine", ông nói.

ukraine1-6352-1394179138.jpg

Bản đồ vị trí thành phố Lviv (chấm đỏ) và bán đảo Crimea với thủ phủ là Simferopol (chấm xanh). Đồ họa: CIA

Anh Ngọc (theo AFP)

VNExpress

Người thiểu số chạy khỏi Crimea - VnExpress


© 2021 FAP
  2,990,557       1/919