Ông Kim Se-rin ở Hàn Quốc biết rằng không thể nào có được mọi câu trả lời cho quãng thời gian hơn 60 năm qua trong 12 giờ gặp gỡ người em gái ở Triều Tiên. Nhưng ông cũng thỏa mãn được phần nào ước nguyện của cả cuộc đời mình.
Ông Kim Se-rin, 85 tuổi, tại nhà ở Bucheon, Hàn Quốc, hôm 17/2, trước dịp được đoàn tụ với người em gái ở Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Ông Kim, 85 tuổi, là một trong 82 cụ già Hàn Quốc trở về sau đợt đoàn tụ hôm 22/2, chứa đầy cảm xúc với những người thân ở Triều Tiên đã phải xa cách từ thời Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Ông nằm trong số những người thuộc nhóm thứ nhất của đợt đoàn tụ này, được gặp lại thân nhân sau 60 năm xa cách kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nhóm thứ hai, hơn 80 người, cũng sẽ gặp gỡ người thân của họ từ Triều Tiên trong các ngày từ 23 đến 25/2.
Với danh sách hàng chục nghìn người Hàn Quốc chờ đợi để được đoàn tụ, ông Kim cảm thấy rất may mắn khi được lựa chọn. Ông gặp được người em gái của mình, 80 tuổi, nhưng ông vẫn còn chất chứa nhiều lo lắng và mong muốn.
"Có quá nhiều điều tôi muốn hỏi và muốn được biết", ông nói sau khi trở về nhà của con gái ở Bucheon, phía tây Seoul.
Ông là con trai cả của một gia đình làm nông ở tỉnh Hwangju, Triều Tiên. Ông rời quê tháng 12/1950 vào cao trào của cuộc chiến tranh Triều Tiên và tham gia vào quân đội miền Nam.
Ông đi mà không thông báo với cha mẹ, em trai và hai em gái. Điều này trở thành nỗi ân hận trong suốt cuộc đời ông mà ông hy vọng có thể giải tỏa phần nào khi gặp được người em gái.
Dù cuộc đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng ở miền núi Triều Tiên được tuyên bố kéo ba ngày, nhưng thời gian chính thức để các gia đình trò chuyện tổng cộng chỉ có 12 giờ.
"Tôi đã hỏi dồn dập em tôi hàng loạt câu hỏi", ông Kim nói. "Về cuộc sống của em, cha mẹ tôi qua đời khi nào, về em trai của tôi".
Nỗi đau
Đây là lần đầu tiên, ông Kim biết được rằng em gái ông là người duy nhất trong gia đình ông còn sống.
"Em gái kể rằng em trai tôi học trường Y và làm việc ở Bệnh viện Trung ương Bình Nhưỡng nhiều năm trước khi qua đời. Em trai kém tôi 7 tuổi. Tôi cảm thấy rất buồn khi em tôi lại chết trước tôi".
Như nhiều người sống tại miền Nam, ông Kim thường lo lắng cho gia đình vì họ có thể phải chịu sự phân biệt vì có người nhà ở Hàn Quốc.
"Điều quan trọng nhất đối với cha tôi là biết được tình hình của gia đình trong chiến tranh và sau đó họ sống như thế nào", Kim Young-soon, con gái ông Kim, người đưa ông đến cuộc đoàn tụ, nói.
Em gái của ông Kim cho biết cha mẹ của họ chết trong chiến tranh.
"Bà ấy có một vài tấm ảnh và họ nói rất nhiều về những ký ức thời thơ ấu cùng chia sẻ với nhau", Kim Young-soon kể. "Điều đó khiến cha tôi hạnh phúc và ông rất biết ơn khi có cơ hội này trước khi qua đời. Ông ấy đã 85 tuổi và đây là mong muốn suốt cuộc đời của ông".
Ông Kim sửa soạn những bức ảnh gia đình của mình ở Hàn Quốc trong phòng riêng trước cuộc đoàn tụ. Ảnh: AFP |
Tổng hợp các báo chí đưa tin về cuộc đoàn tụ ở Triều Tiên cho thấy, với một số người tham dự, sự kiện này không đủ để đáp ứng nguyện vọng vô cùng lớn của họ. Một số người phàn nàn rằng nhiều người thân của họ ở Triều Tiên dành khá nhiều thời gian để tuyên truyền cho chính phủ trong những vấn đề như sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.
Cuộc đoàn tụ thân nhân này suýt bị hủy do Hàn Quốc và Mỹ đang chuẩn bị thực hiện cuộc tập trận thường niên. Hoạt động diễn tập khiến Triều Tiên tức giận và đe dọa trả đũa bằng cách hủy bỏ đoàn tụ thân nhân.
"Kỷ niệm đầu tiên và cuối cùng"
Kim Young-soon nói cô của mình nhấn mạnh công ơn lớn lao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc tổ chức cuộc đoàn tụ này, nhưng nhìn chung cuộc nói chuyện không nhắc nhiều đến vấn đề chính trị.
Kỷ niệm in đậm trong tâm trí cô là khoảnh khắc riêng tư trong phòng khách sạn, đằng sau những ống kính máy quay. Cô của Kim dường như mệt mỏi và chân của bà bị sưng, nên người cháu gái massage chân và bôi thuốc cho bà.
"Bà ấy đã thiếp đi rất nhanh. Bà ấy gần 80 tuổi rồi và chắc là đã rất mệt mỏi. Vì thế tôi massage chân cho bà, nắm tay bà và chạm lên khuôn mặt bà lúc bà đang ngủ", Kim nhớ lại.
"Tôi muốn chạm vào bà nhiều nhất có thể, bởi vì đây sẽ là kỷ niệm đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi với cô của mình".
Đây là đợt đoàn tụ đầu tiên của các gia đình hai miền Triều Tiên sau hơn ba năm, khi chương trình bị gián đoạn vì lần nã đạn vào các đảo tiền tiêu của Hàn Quốc năm 2010. Quan hệ giữa hai miền hiện tại đang có dấu hiệu tan băng, tuy nhiên tiền lệ cho thấy quãng thời gian này thường ngắn ngủi.
Khi Kim Se-rin nói lời tạm biệt với người em gái hôm 22/2, ông biết chắc chắn rằng đây là lần gặp gỡ cuối cùng của họ. Nhưng ông đã cố gắng có những suy nghĩ tích cực.
"Tôi tin rằng một ngày nào đó hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất. Ngày nay, mọi người có thể sống đến 100 tuổi và mục tiêu của tôi là 95. Tôi cũng nói với người thân ở Triều Tiên rằng hãy hy vọng như vậy".
Vũ Hà (Theo AFP)
Ước nguyện cả đời của cụ ông 85 tuổi - VnExpress