Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra báo cáo yêu cầu đưa lãnh đạo Triều Tiên ra tòa án quốc tế vì phạm tội chống nhân loại, nhưng đề nghị này khó thành hiện thực do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Cựu thẩm phán Michael Kirby, chủ tịch Ủy ban Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo được công bố hôm 17/2, Ủy ban Triều Tiên, cơ quan do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) thành lập tháng 3/2013, nhận định cần đưa giới lãnh đạo Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì hàng loạt tội ác chống lại loài người, gồm tội thủ tiêu, bỏ đói và bắt người dân làm nô lệ.
Ủy ban trên lên án việc Bình Nhưỡng tước bỏ các quyền tự do cơ bản về tư tưởng, ngôn luận và tôn giáo, cũng như việc nước này bắt cóc công dân của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Báo cáo nêu rõ: "Sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, quy mô rộng và mang tính hệ thống đã và đang được Triều Tiên, các cơ quan và quan chức nước này, thực hiện. Tính nghiêm trọng, quy mô và bản chất của những sự vi phạm này cho thấy một nhà nước 'có một không hai' trong thế giới đương đại".
Theo New York Times, đây là báo cáo chi tiết nhất hiện nay về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Triều Tiên, quốc gia được cho là "bí ẩn và cô lập nhất thế giới".
Ông Hong Soon-kyung, người đứng đầu một tổ chức vận động nhân quyền tại Hàn Quốc, nhận định những vấn đề mà bản báo cáo nêu không mới, nhưng việc ra đời của văn bản này là "một bước tiến có ý nghĩa", nhằm gây áp lực lên giới chức Bình Nhưỡng và các nước ủng hộ. Hong từng là công dân Triều Tiên nhưng đã đào thoát khỏi đất nước.
Phản ứng trước báo cáo trên, đoàn đại biểu Triều Tiên tại Geneva ra thông cáo phủ nhận cáo buộc của UNHRC và coi đây là âm mưu chính trị nhằm bôi xấu và "lật đổ hệ thống chính trị hiện tại của Triều Tiên".
Ủy ban Triều Tiên từng nhiều lần yêu cầu được gửi người đến quốc gia này để điều tra, nhưng đều bị Bình Nhưỡng từ chối thẳng thừng. Báo cáo lần này dựa nhiều vào lời khai của những nhân chứng người Triều Tiên đã đào thoát khỏi đất nước.
"Triều Tiên đã, đang và sẽ không bao giờ thừa nhận sự tồn tại của các nhà tù và báo cáo này không thể thay đổi được tình hình một cách chóng vánh", AFP dẫn lời bà Kim Young-soon, một nhân chứng 77 tuổi, cho biết. "Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ngồi lại và không làm gì".
Trong cuộc họp báo hôm qua, cựu thẩm phán người Australia Michael Kirby, chủ tịch Ủy ban Triều Tiên, nhấn mạnh: "Đã có rất nhiều báo cáo được công bố tại tòa nhà này, nhưng không hề có hành động. Bây giờ là thời điểm để hành động".
Bắc Kinh phản đối
Báo cáo nhân quyền Triều Tiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cả Bình Nhưỡng và đồng minh Bắc Kinh. Ảnh minh họa: CNN |
Mặc dù nhận được sự hoan nghênh của Mỹ và Hàn Quốc, bản báo cáo của UNHRC lại vấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, nước đồng minh quan trọng của Triều Tiên.
"Tôi chưa tận mắt thấy báo cáo này, song quan điểm của chúng tôi về vấn đề này rất rõ ràng, những vấn đề liên quan đến nhân quyền cần được giải quyết thông qua đối thoại mang tính xây dựng trên cơ sở bình đẳng. Việc đưa báo cáo này ra ICC sẽ không giúp giải quyết tình hình nhân quyền ở một quốc gia", bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Tuyên bố này khiến đề nghị khởi tố giới lãnh đạo Triều Tiên ra ICC khó trở thành hiện thực, bởi một quyết định như vậy cần sự nhất trí, đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà Trung Quốc là một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bill Richardson cho biết, Bắc Kinh có thể phủ quyết tất cả những nỗ lực nhằm pháp lý hóa báo cáo nhân quyền Triều Tiên của Hội đồng Bảo an.
"Vấn đề vi phạm nhân quyền không thể được giải quyết đơn phương và nhanh chóng, nếu như bối cảnh chính trị của toàn khu vực không có sự biến chuyển", chuyên gia Leonid Petrov thuộc đại học Quốc gia Australia bình luận trong bài viết của AFP.
Theo Petrov, điều này đòi hỏi việc chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình, thay vì hiệp định đình chiến được ký năm 1953. Sự công nhận ngoại giao với Bình Nhưỡng và việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này cũng rất cần thiết.
"Nếu không như vậy, Triều Tiên sẽ vĩnh viễn được đặt trong tình trạng khẩn cấp, và nhân quyền sẽ trở thành vật hy sinh", chuyên gia này nói. "Nếu như các nhà hoạch định chính sách trong khu vực không có thiện chí trên vấn đề chiến tranh Triều Tiên, thì vấn đề nhân quyền tại quốc gia này không có vẻ gì sẽ được giải quyết".
Mặc dù nghi ngờ về tác động thực tế của báo cáo trên đối với giới chức Triều Tiên, cựu đại sứ Richardson vẫn cho rằng: "Làn sóng dư luận từ sự kiện lần này có thể tạo ra một áp lực mang tính ôn hòa, khiến Bình Nhưỡng nhận ra rằng cần phải có một số thay đổi".
Cùng chung nhận định trên, bà Julie de Rivero, đại diện tại Geneva của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Liên Hợp Quốc ít nhiều đã không quan tâm đến vấn đề trên trong suốt 6 thập kỷ qua. Ủy ban này đang cố gắng để khơi dậy phản ứng của cộng đồng quốc tế. Các bước tiếp theo cần phải được triển khai, để Triều Tiên nhận được thông điệp rõ ràng rằng, vấn đề này sẽ không bị bỏ qua và dư luận quốc tế không chỉ quan tâm đến vấn đề hạt nhân".
Đức Dương
Liên Hợp Quốc không dễ đưa lãnh đạo Triều Tiên ra tòa - VnExpress