Thế giới

Tham vọng viễn dương của Hải quân Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tiến hành diễn tập quân sự và mở các tuyến hàng hải mới, cho thấy tham vọng viễn dương của nước này trong bối cảnh Mỹ quyết tâm "xoay trục" về châu Á-Thái Bình Dương.

Liaoning-5092-1392266691.jpg

Trung Quốc quyết thưc hiện tham vọng viễn dương, trong bối cảnh Mỹ muốn xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. Trong ảnh là tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh minh họa: Reuters

Đầu tháng này, chiến hạm của Trung Quốc lần đầu tiên đến Ấn Độ Dương diễn tập quân sự, với hành trình thông qua eo biển Sunda, giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia. Trên đường về nước, các tàu này lại chọn tuyến hàng hải khác, lần lượt đi qua eo Lombok, gần đảo Bali và eo Makassar bên bờ bang Borneo của Malaysia.

"Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân viễn dương, có khả năng thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi xa", bình luận viên Demetri Sevastopulo của tờ Financial Times nhận định. "Họ muốn thay đổi thế cân bằng sức mạnh tại Thái Bình Dương, nơi Mỹ chiếm vị thế bá chủ hàng chục năm qua".

Ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, cho rằng những động thái gần đây không khác gì màn phô diễn lực lượng của Hải quân Trung Quốc.

"Họ đang phát đi tín hiệu rằng, Trung Quốc có đủ quyền sử dụng các tuyến hàng hải quốc tế", chuyên gia này nói. "Chỉ 5 năm nữa, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài Biển Đông và Hoa Đông sẽ trở nên khá bình thường".

Theo Medcalf, Trung Quốc muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, để tăng cường tiến hành hoạt động quân sự. Sau sự kiện tàu chiến nước này lần đầu đi qua eo Soya giữa Nhật và Nga, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố họ đã thực hiện thành công giấc mộng đột phá "chuỗi đảo thứ nhất".

Tuy nhiên, tướng Timothy Keating, nguyên tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, lại cho rằng việc tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển của Indonesia "không có gì to tát" và tham vọng viễn dương của hải quân nước này là bước phát triển bình thường. 

Trên thực tế, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều bước chuẩn bị để hướng đến mục tiêu này. Trong hai năm 2012 và 2013, Bắc Kinh gửi binh sĩ và tàu chiến đến Vịnh Aden, Somalia, tham gia hoạt động chống cướp biển. Tháng 10/2013, tàu chiến của nước này lần đầu đi qua Magellan, eo biển cực nam của khu vực Nam Mỹ.

Cũng trong năm ngoái, tàu chiến của Trung Quốc thậm chí còn tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ, động thái được cho có thể làm thay đổi cuộc đối đầu giữa cường quốc hải quân thống trị Thái Bình Dương và đối thủ chính của mình.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Steffen Richter, cùng với sức ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh-Washington cũng đang biến đổi.

Mỹ hiện rất khó chấp nhận quan điểm rằng trung tâm chính trị quốc tế đã thay đổi, nhưng buộc phải thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh lần đần tiên gửi một phân đội tham gia cuộc diễn tập "Hổ mang vàng", đang diễn ra tại Thái Lan. Hải quân Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tham dự cuộc diễn tập quân sự quốc tế quy mô lớn "Vành đai Thái Bình Dương" vào mùa hè này tại Hawaii. 

Việc Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Indonesia còn có một ý nghĩa quan trọng khác là bởi biên chế tàu chiến của hoạt động lần này, ông Gary Li, chuyên gia phân tích cao cấp của IHS Maritime, nhận định.

Ngoài hai tàu khu trục, biên chế của đội tàu lần này còn có một tàu đổ bộ đời mới, có thể chở xe chiến đấu và máy bay trực thăng. "Đây sẽ là sức mạnh chủ lực trong tương lai", ông Li nói. Loại tàu này xuất hiện ngày càng nhiều trên Biển Đông và các vùng biển xa khác. 

Was7621046-6961-1392266691.jpg

Tổng thống Barack Obama phải chứng minh được với đồng minh tính thực chất và lâu dài của chiến lược "xoay trục" về châu Á. Ảnh minh họa: Reuters

Trung Quốc không ngừng khuếch trương sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương. Việc nước này tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản và một số nước ASEAN, là lý do chính khiến các đồng minh của Mỹ tại khu vực đặt hy vọng vào chiến lược xoay trục của Washington.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Theo tờ Asahi Shimbun, quan chức không quân nước này cũng đã soạn thảo đề xuất lập ADIZ trên Biển Đông. Các động thái trên đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các nước liên quan.

Chính vì vậy, chuyến công du Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng như kế hoạch thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Barack Obama vào thời điểm này có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, nhằm củng cố lòng tin của các nước đồng minh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đều thất vọng trước việc ông Kerry không dành nhiều sự quan tâm cho khu vực này, trái ngược với thời cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.

Mặc dù Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật ký năm 1960, trong cuộc hội đàm hôm 7/2 với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, Tokyo được cho là vẫn thất vọng trước việc Washington không thể ép Bắc Kinh gỡ bỏ ADIZ.

"Ủy ban An ninh Quốc gia do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu, có thể đã hoạch định bước đi leo thang tiếp theo", căn cứ trên phản ứng mềm mỏng của Mỹ, ông Jim Shinn, cựu quan chức đứng đầu bộ phận châu Á của Lầu Năm Góc, nhận định.

Chuyên gia Medcalf cho rằng chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ còn nhiều yếu tố bất định, nhưng Washington phải chứng minh được rằng "sự tái cân bằng này mang tính thực chất và lâu dài".

"Hiện tồn tại niềm hy vọng rằng các cấp cao nhất của chính quyền Mỹ sẽ quan tâm hơn đến châu Á", Medcalf nhận xét. "Đang có một sự bất bình lặng lẽ".

Đức Dương

VNExpress

Tham vọng viễn dương của Hải quân Trung Quốc - VnExpress


© 2021 FAP
  3,682,967       2/878