Trung Quốc và đảo Đài Loan hôm nay bắt đầu cuộc hội đàm ở cấp cao nhất sau 65 năm đảo này tách khỏi Trung Quốc đại lục, đánh dấu sự tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Ông Trương Chí Quân (phải) và ông Vương Úc Kỳ (thứ hai bên trái) trả lời báo chí sau cuộc hội đàm ngắn phi chính thức tại đảo Bali, Indonesia, hồi tháng 10. Ảnh: CNA |
Theo AFP, ông Vương Úc Kỳ, chủ nhiệm Ủy ban Đại lục của đảo Đài Loan, hôm nay dẫn một đoàn đại biểu đến thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, để hội đàm cùng người đồng cấp Trung Quốc đại lục là ông Trương Chí Quân.
Cuộc hội đàm dự kiến diễn ra chiều nay tại khách sạn Tử Kim Sơn Trang, ngoại ô Nam Kinh, và kéo dài đến ngày 14/2. Mặc dù chương trình nghị sự chưa được công bố, ông Vương hồi tháng trước cho biết cuộc hội đàm có tác động quan trọng đến việc thể chế hóa hơn nữa quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Hội đàm lịch sử lần này là kết quả của nhiều năm nỗ lực bình thường hóa quan hệ. Đây cũng là lần tiếp xúc cao nhất kể từ năm 1949 khi Trung Quốc kết thúc cuộc nội chiến, rồi đảo Đài Loan tách khỏi đại lục.
Từ đó đến nay, Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và để ngỏ khả năng thu hồi đảo này bằng vũ lực. Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan, nhưng không chính thức công nhận hòn đảo.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm lãnh đạo hòn đảo vào năm 2008. Mặc dù được đánh giá là mang tính lịch sử, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cuộc hội đàm lần này chỉ mang tính biểu tượng và xây dựng lòng tin.
"Mối quan hệ tương tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan là khá tích cực và phát triển nhanh, nhưng tiềm năng của nó vẫn chưa được cả hai bên khai thác đủ", Giáo sư Giả Khánh Quốc, ủy viên thường trực, thành viên Ban đối ngoại thuộc Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc, bình luận. "Mọi người không nên quá kỳ vọng vào cuộc hội đàm này. Cả hai bên cần nhiều thời gian để có thể đi đến thống nhất".
Đức Dương
Trung Quốc, Đài Loan hội đàm lịch sử - VnExpress