Thế giới

Putin quyết phục hưng vị thế Nga qua Olympic Sochi

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi diễn ra thành công, với việc tái hiện lịch sử nước Nga, qua đó gửi đi thông điệp về một quốc gia hùng cường của Tổng thống Vladimir Putin.

putin-nga-9060-1391842819.jpg

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cùng xem Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi. Ảnh: AFP

"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là sự công nhận đối với đất nước chúng ta", Tổng thống Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu năm 2007, nhân sự kiện nước Nga giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014.

Khi đó, không ít người tỏ thái độ hoài nghi trước việc ông Putin lựa chọn Sochi, một thị trấn ven biển thiếu thốn cơ sở vật chất, làm địa điểm tổ chức Olympic. "Nhưng lễ khai mạc diễn ra tối qua là lời phản bác mạnh mẽ nhất", bình luận viên Courtney Weaver của tờ Financial Times nhận định.

Lễ khai mạc là một màn biểu diễn đậm chất sử thi, tái hiện hình ảnh nhiều bậc vĩ nhân trong lịch sử nước Nga, như đại văn hào Lev Tolstoy, nhà soạn nhạc Tchaikovsky và Đại đế Peter. Thông điệp về sự trở lại của một nước Nga hùng cường, đầy tham vọng được phát đi rõ ràng.

"Đối với Putin và các đồng minh của ông, Thế vận hội lần này là thắng lợi lớn của tinh thần Nga. Những tiếng phê bình từ việc không chuẩn bị đủ khách sạn, thái độ với chó hoang, đến những khoản đầu tư khổng lồ, vấn đề an ninh và nhân quyền, tất cả đều như bông tuyết bị phủi khỏi chiếc áo khoác mùa đông", New York Times dẫn lời bình luận viên Steven Lee Myers.

"Việc đăng cai Thế vận hội mùa đông là thắng lợi cực kỳ lớn của chúng ta", Phó thủ tướng Nga Dmitri Kozak tuyên bố, một ngày trước lễ khai mạc. "Kẻ chiến thắng không thể bị phán xét". Đây là câu nói nổi tiếng của nữ hoàng Nga Ekaterina Đệ nhị, khi bà ngăn cản việc xét xử một viên tướng vì tội tấn công một thành trì của đế chế Ottoman khi chưa nhận được lệnh.

Video: Pháo hoa rực rỡ trong lễ khai mạc Olympic Sochi

Nhà phân tích Lilia Shevtsova thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nhận định, việc Sochi giành quyền đăng cai Olympic diễn ra đúng vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Putin, khi quyền lực và sức ảnh hưởng của ông đạt mức cao nhất. "Mặc dù nhiều người phê phán phong cách lãnh đạo của Putin, nhưng không thể phủ nhận sự thực là nước Nga đã bước ra khỏi bóng đen hỗn loạn của thập niên 90 thế kỷ trước", chuyên gia này nói.

RTX18CUE-3389-1391842819.jpg

Màn bắn pháo hoa rực rỡ tại Lễ khai mạc. Ảnh: Reuters

Nhưng trong mắt phe đối lập, việc Điện Kremlin đầu tư hơn 50 tỷ USD vào Olympic Sochi là lãng phí, trong bối cảnh nền kinh tế Nga có biểu hiện chững lại. "Khi đó nước Nga đang trỗi dậy, nhưng năm 2014 này lại đang trượt dốc", Shevtsova bình luận.

Trong suốt một thời gian dài, nền kinh tế Nga hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, chính phủ vẫn buộc phải cắt giảm chi tiêu để bù vào lỗ hổng thu nhập, do thiếu đầu tư nước ngoài và việc đa số các mặt hàng mà Nga xuất khẩu bị  mất giá.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây cũng cảnh báo kỳ Olympic này sẽ không thể thúc đẩy kinh tế Nga trong dài hạn. Bên cạnh đó, chính phủ Nga cũng sẽ khó có đủ tiền duy tu các công trình sau Olympic và nhà đầu tư cá nhân cũng không thể kiếm lời từ sự kiện này.

"Vấn đề là chúng ta đã mất đi một cơ hội", ông Aleksei Navalny, người sáng lập Quỹ Đấu tranh Chống Tham nhũng, cho biết. "Nước Nga có thể sử dụng khoản tiền ấy để làm gì. Chúng ta vốn dĩ có thể căn cứ theo chính sách công nghiệp hóa dưới thời đại Stalin, để thực hiện quá trình công nghiệp hóa mới".

Mặc dù vậy, những người thuộc phe đối lập như ông Navalny vẫn phải khẳng định vị thế lãnh đạo không thể lay chuyển của Tổng thống Putin. "Tỷ lệ ủng hộ của Putin vẫn cao như khi ông ấy mới lên cầm quyền", chính trị gia đối lập thừa nhận. 

Nhiều quan chức chính phủ Nga cho rằng những lời chỉ trích Olympic Sochi ẩn chứa thái độ ác ý của phương Tây, nhằm mục đích phủ nhận địa vị của Nga trong cục diện thế giới ngày nay.  

"Thế vận hội mùa đông nên đứng ngoài chính trị", ông Aleksandr Zhukov, chủ tịch Ủy ban Olympic Nga kiêm phó chủ tịch thứ nhất của Quốc hội, tuyên bố trong một lần phỏng vấn gần đây. "Những người có ý định gắn mác chính trị cho Thế vận hội không có lòng tự trọng".

Năm 2013 được cho là một năm thành công với Tổng thống Putin, với việc ông được truyền thống quốc tế vinh danh trong nhiều bảng xếp hạng bởi những thành tựu đối nội và đối ngoại. Tổ chức thành công và an toàn Olympic Sochi sẽ không chỉ là khởi đầu thuận lợi cho một năm nghị trình của Putin, mà còn đánh dấu sự trở lại của nước Nga như đúng lời ông tuyên bố.

"Chúng tôi vẫn nhớ như in bầu nhiệt huyết đầy xúc động và chấn phấn của Thế vận hội Moscow năm 1980", Tổng thống Putin phát biểu tại Hội nghị lần thứ 126 của Ủy ban Olympic quốc tế diễn ra hôm 4/2. "Từ đáy lòng mình, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan và lạc quan, bởi tinh thần Olympic hào hùng và vĩ đại một lần nữa trở lại đất nước chúng tôi". 

Đức Dương

VNExpress

Putin quyết phục hưng vị thế Nga qua Olympic Sochi - VnExpress


© 2021 FAP
  3,688,337       2/1,302