Thế giới

Mỹ điều chiến hạm tên lửa tới châu Âu

Mỹ vừa triển khai một tàu khu trục tên lửa đạn đạo nhằm tăng cường cho lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu, khiến Nga đe dọa rút khỏi một hiệp ước về cắt giảm vũ khí chiến lược.

Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. Ảnh: AFP

Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cuối tuần qua thông báo về việc triển khai tàu khu trục USS Donald Cook tới Tây Ban Nha, trong Hội nghị An ninh Munich. "Một bước tăng cường bố trí phòng thủ châu Âu nhằm đối phó với những mối đe dọa về tên lửa đạn đạo từ Iran", ông Hagel nói và cho biết Mỹ cam kết "triển khai thiết bị phòng thủ tên lửa ở đó".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho hay trong vòng hai năm tới, ba tàu khu trục phòng thủ tên lửa được trang bị hệ thống vũ khí tích hợp Aegis sẽ tham gia nỗ lực bảo vệ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lục địa châu Âu. 

"Bất chấp những khó khăn về tài chính, chúng tôi sẽ giải ngân vào tháng tới đảm bảo đầy đủ khoản đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu", ông Hagel nói. Trong bài phát biểu, bộ trưởng Mỹ cũng đề cập tới Trung Quốc và Nga, cho rằng hai nước "đang nhanh chóng hiện đại hóa quân sự vào  ngành công nghiệp phòng vệ toàn cầu", thách thức sự tân tiến về công nghệ của Mỹ và các mối hợp tác quốc phòng trên toàn thế giới. 

USS Donald Cook sẽ là tàu đầu tiên trong số 4 tàu của Mỹ có khả năng phòng vệ tên lửa đạn đạo có mặt tại châu Âu. Trong vài tháng tới, tàu khu trục Ross sẽ tham gia, còn tàu Carney và Porter sẽ tới vùng biển châu Âu vào năm 2015. Hải quân Mỹ ước tính gần 1.240 binh sĩ sẽ tới cảng Rota của Tây Ban Nha và sẽ tiêu tốn 92 triệu USD. 100 triệu USD nữa sẽ được chi hàng năm để duy trì các tàu ở Tây Ban Nha. 

Trong lúc đó, Moscow cảnh báo có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) nếu Mỹ tiếp tục tăng cường năng lực chống tên lửa bằng cách phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa ở châu Âu. 

"Chúng tôi quan ngại Mỹ đang tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa mà không cân nhắc đến lợi ích và mối lo ngại của Nga", hãng Interfax dẫn lời ông Mikhail Ulyanov, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Nga về giải giáp vũ khí, nói. "Chính sách như vậy có thể làm xói mòn sự ổn định chiến lược và dẫn đến tình thế Nga sẽ buộc phải thực hiện quyền rút khỏi hiệp ước", ông Ulyanov cho hay. 

Ông Ulyanov cũng nhận định "vào giai đoạn hiện tại", các chuyên gia Nga ước lượng rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ "chưa đạt được mức có thể gây đe dọa tới hiệu quả của lực lượng răn đe chiến lược Nga". 

Hiệp ước START mới được Nga và Mỹ ký kết vào tháng 4/2010 và bắt đầu hiệu lực từ tháng 2/2011 cho tới ít nhất là năm 2021. 

Trọng Giáp

VNExpress

Mỹ điều chiến hạm tên lửa tới châu Âu - VnExpress


© 2021 FAP
  3,682,305       1/259