Một bà mẹ Trung Quốc chi ra gần 2.500 USD để đăng quảng cáo trên trang nhất của một tờ báo, nhằm thuyết phục cậu con trai về quê ăn Tết với hứa hẹn sẽ không giục cậu lấy vợ nữa.
Bức thư của người mẹ Trung Quốc đăng trên trang nhất Chinese Melbourne Daily. Ảnh: CMD |
"Peng yêu quý, mẹ đã gọi cho con nhiều lần nhưng con không bắt máy, có thể con sẽ nhìn thấy những dòng này", người mẹ giấu tên viết trong lá thư ngắn trên trang nhất của tờ Chinese Melbourne Daily. "Bố mẹ sẽ không bao giờ ép con cưới vợ nữa, về nhà ăn Tết đi con! Yêu con, mẹ của con".
Chinese Melbourne Daily là nhật báo phục vụ cho cộng đồng người Hoa ở thành phố Melbourne, Australia. Quảng cáo của bà mẹ trên được đăng tải hôm 14/1, ước tính có giá gần 2.800 AUD (2.500 USD), theo bảng giá quảng cáo của báo này.
"Chúng tôi đoán rằng người mẹ này đang ở Trung Quốc và cậu con trai sống tại Melbourne", Cecil Huang, tổng biên tập báo nói.
China News sau đó cho biết người phụ nữ này sống ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Bà đã liên hệ với tờ báo trên vì mất liên lạc với con trai.
Câu chuyện về người mẹ tìm con nhanh chóng lan truyền trên Internet ở Trung Quốc suốt tuần qua. Nhiều người cho rằng chi tiền đăng quảng cáo như trên là quá phung phí, trong khi một số bày tỏ sự cảm thông với người mẹ.
Một số người chia sẻ với tình cảnh của Peng. "Liệu có thể áp lực hơn nữa không? Hết ép cưới vợ giờ lại ép về nhà", một người nói.
Tuy nhiên, có người lại gay gắt: "Không kết hôn là hành động ích kỷ. Đây là loại con trai gì vậy?".
Một người khác hài hước: "Cắt hết tiền viện trợ đi rồi cậu ta sẽ về nhà ngay thôi mà".
Áp lực cưới xin
Tết âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều thanh niên nước này lại không dám về đoàn tụ với gia đình dịp này chỉ vì sợ phải đối mặt với áp lực cưới xin từ cha mẹ.
"Đây là thời gian quan trọng nhất trong năm, làm sao tôi giải thích với gia đình và họ hàng rằng tôi vẫn còn độc thân đây?", một anh chàng ở Quảng Châu "cầu cứu" mọi người trên một diễn đàn trực tuyến.
Nhiều người khuyên anh này không nên về nhà. "Về nhà nghĩa là họ sẽ lại sắp xếp cho anh những cuộc ra mắt hoặc mắng mỏ anh đấy", một người viết.
"Năm nay mẹ tôi ra tối hậu thư rồi. Một là mang về 50.000 nhân dân tệ, hai là mang về con dâu. Nếu tôi không đáp ứng được cả hai yêu cầu, mẹ tôi nói tôi không cần phải về nhà nữa. Thê thảm quá", một người khác đồng cảnh ngộ chia sẻ.
Những người không thể chịu được áp lực từ cha mẹ có thể thuê bạn trai hoặc bạn gái theo giờ hoặc theo ngày, thông qua trang web mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Taobao.com. Bạn trai hoặc bạn gái giả có thể đi cùng họ về gặp gia đình, đi mua sắm hoặc xem phim như những cặp tình nhân thông thường.
Một nữ khách hàng chia sẻ sự hài lòng vì thuê được anh bạn trai lý tưởng: "Anh ấy đẹp trai và vui tính. Anh ấy biết nấu ăn, xách đồ cho tôi khi đi mua sắm. Bố mẹ tôi rất vui".
Anh Ngọc
Mẹ mua trang nhất của báo để gọi con trai về ăn Tết - VnExpress