Mâu thuẫn giàu nghèo, vùng miền, sự thách thức của lực lượng chính trị mới đối với các thế lực cũ là những cơn bão đang hoành hành chính trường Thái Lan, khiến tương lai của nó trở nên ảm đạm.
Người biểu tình Thái Lan tụ tập trước một sân khấu ở bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bangkok. Ảnh: AFP |
Tình hình chính trị ở Thái Lan ngày càng rối ren khi người biểu tình phe đối lập quyết tâm "đóng cửa Bangkok" nhằm ép Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức và ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến vào ngày mùng 2/2.
Những người biểu tình là ai và họ muốn gì?
Những người biểu tình khẳng định họ không phản đối nền dân chủ mà chỉ muốn cải cách trên diện rộng để làm trong sạch nền chính trị Thái Lan và trừ bỏ tận gốc nạn tham nhũng trước khi cuộc bầu cử được diễn ra. Khẩu hiệu của họ là “Hãy cải cách trước khi bầu cử”.
Những người biểu tình khoác lên mình những chiếc áo màu đỏ, trắng, xanh, theo màu cờ Thái Lan, và huýt sáo để chuyển thông điệp của họ đến chính phủ: “Hãy ra đi!”
Lực lượng tham gia biểu tình chủ yếu gồm hai thành phần: những người dân giàu có, thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Bangkok, và những người đến từ miền nam Thái Lan. Thủ lĩnh cuộc biểu tình, ông Suthep Thaugsuban – một chính trị gia cũng đến từ miền nam, từng là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất của đảng Dân chủ.
Họ lấy ý tưởng từ các cuộc biểu tình chính trị trên thế giới gần đây trong việc đeo mặt nạ Guy Fawkes, biểu tượng của chủ nghĩa vô chính phủ, và gọi kế hoạch đóng cửa thủ đô là “Chiếm Bangkok”. Tuy nhiên, khác với làn sóng biểu tình chống lại sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội giữa 1% những người giàu và 99% dân số còn lại ở phương Tây, cuộc biểu tình ở Thái Lan thu hút sự ủng hộ từ tầng lớp thượng lưu, những người có nhiều đặc quyền, bảo hoàng và theo chủ nghĩa dân tộc. Họ cũng ủng hộ quân đội, lực lượng từng nhiều lần đảo chính để ngăn chặn những cuộc bầu cử. Nhiều người biểu tình còn công khai kêu gọi quân đội đảo chính để loại bỏ quyền lực của Thủ tướng tạm quyền Yingluck.
Những người biểu tình chống chính phủ lập luận rằng những người nghèo khó và ít học, cụ thể là ở các tỉnh đông bắc Thái Lan, có xu hướng bỏ phiếu cho những người hứa hẹn nhiều nhất trong kỳ bầu cử. Điều này đã tạo cơ hội cho những chính trị gia giàu có như ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck, có cơ hội nắm quyền, dù ông phải trốn ra nước ngoài từ năm 2008 để tránh cáo buộc tham nhũng.
Người biểu tình được ủng hộ như thế nào?
Những người biểu tình nhấn mạnh rằng họ đại diện cho "nhân dân" và thổi phồng số lượng người tham gia các cuộc xuống đường hàng loạt trong hai tháng qua. Họ tuyên bố rằng có hàng triệu người Thái thường xuyên biểu tình để đòi hỏi sự thay đổi chính trị.
Trên thực tế, những người biểu tình chỉ đại diện cho số ít người Thái, và đây chính là vấn đề của họ. Trong các cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ở Thái Lan từ năm 2001, đảng Dân chủ luôn bị đánh bại bởi các đảng ủng hộ ông Thaksin, và một kết quả tương tự nhiều khả năng sẽ xảy ra trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 2/2 tới.
Những người ủng hộ bầu cử tổ chức thắp nến cầu nguyện để kêu gọi hòa bình, với khẩu hiệu "Hãy tôn trọng lá phiếu của tôi". Ảnh: AFP |
Thaksin có khả năng kiểm soát chính trị thông qua bầu cử nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Điều này gây ra sự khó chịu cho tầng lớp thượng lưu ở Bangkok, những người tin rằng họ mới có tiếng nói quyết định.
Bên cạnh mâu thuẫn giữa các tầng lớp thì mâu thuẫn vùng miền cũng là nguyên nhân thúc đẩy cuộc xung đột chính trị. Các tỉnh tương đối giàu có ở miền nam Thái Lan ủng hộ đảng Dân Chủ, trong khi khu vực ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông Thaksin là ở phía bắc và đông bắc.
Tầng lớp thượng lưu Thái phản đối bầu cử do lá phiếu của họ bị chìm nghỉm trong số phiếu của phần đông dân số còn lại. Người Thái ở miền nam cũng phẫn nộ vì bị lấn át trong mỗi cuộc bầu cử, bởi số phiếu áp đảo của những người phía bắc và đông bắc, nơi đông dân hơn nhưng nghèo hơn.
Đối thủ của những người biểu tình bao gồm phe Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin và cả những cá nhân ủng hộ dân chủ ở Bangkok, những người đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện dưới ánh nến để kêu gọi hòa bình với khẩu hiệu "Hãy tôn trọng lá phiếu của tôi". Họ lập luận rằng chỉ có dân chủ mới có thể giải quyết được sự chia rẽ nội bộ Thái Lan hiện nay, và cho rằng hủy bỏ cuộc bầu cử sắp tới là một bước lùi thảm họa.
Một số nhà bình luận đã rút ra sự tương đồng giữa phong trào biểu tình hiện nay ở Thái Lan và phong trào "Đảng Trà" ở Mỹ. Cả hai phong trào đều có sự ủng hộ lớn mạnh từ một bộ phận dân chúng trong nước và một số nhóm lợi ích xã hội, nhưng không thể giành chiến thắng cuộc bầu cử toàn quốc, nên phải áp dụng nhiều chiến thuật để đáp trả.
Điều gì xảy ra ở hậu trường?
Một nguyên nhân khiến xung đột ở Thái Lan thường gây hoang mang là một phần của câu chuyện thường bị bỏ qua. Một trong những điều cấm kỵ ở Thái Lan là tranh luận về hoàng gia một khi nhà vua 86 tuổi ốm yếu Bhumibol Adulyadej qua đời. Bộ luật hà khắc về tội khi quân ở nước này áp đặt án tù lâu năm cho những ai dám than phiền về chế độ quân chủ.
Sự chuyển giao ngôi vị trong hoàng gia là trung tâm của cuộc xung đột đã đốt nóng Thái Lan từ năm 2005. Trên danh nghĩa, Thái Lan là một quốc gia có chế độ quân chủ lập hiến, nghĩa là hoàng gia chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, nhà vua Thái Lan thực tế lại nắm giữ một khối tài sản được ước tính hơn 30 tỷ USD và có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Thái Lan từ lâu đã bị thống trị bởi một chính thể gồm các gia đình giàu có, có quan hệ hôn nhân với hoàng tộc hoặc quan hệ kinh doanh với cơ quan quản lý tài sản hoàng gia. Do đó, sự nổi lên của một tầng lớp chính trị và kinh tế mới xoay quanh ông Thaksin làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lật đổ sự thống trị của tầng lớp cũ.
Bổn cũ có được soạn lại?
Bạo lực hoàn toàn có thể diễn ra. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong những tuần gần đây. Tổn thất về người có khả năng sẽ tăng lên đáng kể sau chiến dịch "đóng cửa Bangkok".
Cả hai bên trong cuộc xung đột giữa tầng lớp thủ cựu của Thái Lan và các tầng lớp mới ủng hộ ông Thaksin đã cố tìm cách gây hỗn loạn và đổ máu trong những năm gần đây. Mục đích của họ là kích động một cuộc đàn áp khắc nghiệt từ phía bên kia, nhằm làm đối phương bị mất tính hợp pháp và trở nên hung bạo.
Người biểu tình vẫy cờ trên tượng đài Dân chủ ở trung tâm Bangkok. Ảnh: AFP |
Đối thủ của ông Thaksin phong tỏa các sân bay ở Bangkok vào cuối năm 2008 và thành công trong việc lật đổ chính phủ. Người ủng hộ ông Thaksin đã chiếm đóng trung tâm thủ đô trong tháng 4 và 5/2010.
Cuộc biểu tình hiện nay được cho là sẽ được tiến hành theo kiểu "bổn cũ soạn lại". Bằng cách làm tê liệt Bangkok, các nhà lãnh đạo của phong trào chống đối chính phủ hy vọng sẽ khiến chính quyền Yingluck phải áp dụng những biện pháp cứng rắn, hoặc có thể khuấy động bạo lực trong phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ. Sau đó, họ sẽ tận dụng sự bất ổn này để tuyên bố chính phủ không có khả năng cầm quyền hợp pháp, và tạo một cái cớ cho quân đội khởi động một cuộc đảo chính khác. Họ biết rằng không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nên sẽ làm tất cả để ngăn bầu cử diễn ra.
Nếu những người biểu tình thành công, sự oán giận của tầng lớp nghèo hơn ở Thái Lan, những người cho rằng nguyện vọng bầu cử của mình thường bị bỏ qua, sẽ càng dữ dội. Ngược lại, nếu những người biểu tình thất bại, gần như chắc chắn rằng họ sẽ còn dễ kích động hơn trong một thời gian dài nữa, cho đến khi cuộc đấu tranh tiếp theo diễn ra.
Tuy nhiên, dù phe nào thắng, một viễn cảnh chính trị ảm đạm cũng đang chờ đón Thái Lan.
Video chính trường Thái Lan qua các cuộc biểu tình
Hoàng Uyên (theo CNN)
Vòng xoáy biểu tình sẽ đưa Thái Lan đến đâu - VnExpress