Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết Washington coi việc Trung Quốc ra quy định hạn chế đánh bắt cá mới trên phần lớn Biển Đông là"hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm".
Mỹ coi quy định mới của Trung Quốc ở Biển Đông là khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trong ảnh là một tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh minh họa: Xinhua |
"Việc thông qua các quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm", Reuters dẫn lời bà Jen Psaki, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết tại cuộc họp báo ngày hôm qua. "Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào cho tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn trên".
Bà Psaki cũng khẳng định lập trường nhất quán của Washington trên vấn đề Biển Đông là "các bên liên quan cần tránh có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và làm giảm triển vọng về một giải pháp ngoại giao hòa bình".
Từ cuối tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua quy định mới, trong đó yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 và các tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (82.600 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lên tiếng bảo vệ quyết định đơn phương của họ.
"Trung Quốc là quốc gia hàng hải, vì vậy điều này hết sức bình thường và là một phần nghị trình của các tỉnh tiếp giáp với biển trong việc xây dựng quy định theo khuôn khổ luật pháp quốc gia, nhằm bảo tồn, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên sinh vật biển", bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua cho biết.
Giáo sư Thời Ân Hoằng, thuộc Học viện Quan hệ quốc tế, đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng việc thực hiện quy định mới sẽ linh hoạt và căn cứ theo quốc tịch của các tàu cá. "Nếu quan hệ song phương tốt, việc thực hiện quy định sẽ nới lỏng hơn", ông Thời nói.
Trong khi đó, ông Raul Hernandez, người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines, hôm 8/1 cho hay cơ quan ngoại giao nước này đang tiến hành thẩm tra, xác minh các quy định mới mà Trung Quốc đưa ra.
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới này của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác", ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định. "Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Quy định mới của Trung Quốc ra đời không lâu sau khi nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hôm 23/11/2013. Vùng này bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Washington, Tokyo và Seoul.
Đức Dương
Mỹ coi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là nguy hiểm - VnExpress