Những người đầu tiên mắc kẹt cùng tàu du lịch Nga MV Akademik Shokalskiy gần châu Nam Cực vừa được một trực thăng cứu hộ của Trung Quốc giải cứu.
Các hành khách và thủy thủ đoàn của tàu Akademik Shokalskiy xếp hành đánh dấu bãi đỗ cho trực thăng cứu hộ. Ảnh: AFP |
CNN đưa tin 12 người đầu tiên trong đoàn thám hiểm bị mắc kẹt đã được đưa lên trực thăng cứu hộ.
"Trực thăng Trung Quốc đã đến Shokalskiy. 100% chúng tôi sẽ được sơ tán! Xin cảm ơn tất mọi người rất nhiều", Chris Turney, trưởng đoàn thám hiểm trên tàu du lịch Nga Akademik Shokalskiy, thông báo trên Twitter.
Chia sẻ của ông Turney đính kèm một video cho thấy một trực thăng màu đỏ từ tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đang hạ cánh xuống một bãi đỗ được khoanh vùng trên băng, cạnh tàu Akademik Shokalskiy.
Một đội cứu hộ mặc đồng phục màu cam từ tàu Trung Quốc cũng đổ bộ xuống mặt băng trước khi trực thăng cất cánh trở lại.
"Nếu tất cả suôn sẻ, chúng tôi sẽ được giải thoát trong khoảng một giờ tới", ông Turney cho biết.
AMSA nhận định việc cứu hộ 52 hành khách trên tàu Nga, bao gồm các nhà khoa học, khách du lịch, phóng viên, sẽ mất ít nhất 5 giờ, tùy vào tình hình thời tiết.
Nhóm người bị kẹt sẽ chia thành các nhóm gồm 12 người và được sơ tán trên 5 chuyến bay. Mỗi chuyến đưa họ về tàu Tuyết Long, cách đó 10 hải lý, dự kiến mất 45 phút.
Theo kế hoạch cứu hộ hàng không do AMSA vạch ra đầu ngày hôm nay, các hành khách sẽ được chuyển từ tàu Tuyết Long đến tàu tiếp vận Nam Cực Aurora Australis của Australia bằng xà lan.
Họ sẽ mất khoảng vài tuần nữa mới có thể tiếp cận đất liền, do tàu Aurora Australis cần đi qua căn cứ Casey Antarctic của Australia để tiếp nhiên liệu.
Tàu du lịch MV Akademik Shokalskiy của Nga chở tổng cộng 74 người, bị mắc kẹt trong băng, cách đảo Tasmania của Australia hơn 2.700 km về phía nam, cách căn cứ Dumont D'Urville của Pháp ở châu Nam Cực khoảng 185 km, vào sáng 24/12.
Dù bị kẹt, toàn bộ số người trên tàu vẫn khỏe mạnh và an toàn do còn đủ lương thực dự trữ.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục các thí nghiệm của họ, đo nhiệt độ và độ mặn của nước biển thông qua các vết nứt ở mặt băng xung quanh. Một trong những mục tiêu của họ là theo dõi băng ở Nam Cực tan nhanh như thế nào.
Anh Ngọc (Video: Euro News)
74 người kẹt trong băng Nam Cực được giải cứu - VnExpress