Thế giới

Việt Nam hoàn thành khuôn khổ quan hệ với các nước lớn

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa tổng kết những thành quả nổi bật của ngành đối ngoại Việt Nam trong năm 2013, đồng thời đề ra trọng tâm của ngành trong năm tới.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày cuối cùng của năm 2013. Ảnh: Trường Sơn

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày cuối cùng của năm 2013. Ảnh: Trường Sơn

Ngoại giao Việt Nam 2013 mang tính chiến lược

Nhìn lại công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2013, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm nay cho biết đây là một hoạt động "toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, mang tính chiến lược sâu sắc".

"Có thể nói, năm 2013 hoàn thành khuôn khổ quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, các nước có vị thế quan trọng trên thế giới", ông Phạm Bình Minh nói tại buổi gặp gỡ báo chí cuối năm ở Hà Nội. Đến nay, Việt Nam nằm trong số ít nước xác lập khuôn khổ quan hệ với các nước lớn trên thế giới trong một khuôn khổ chiến lược hoặc khuôn khổ toàn diện. 

Việt Nam cũng hoàn thành khuôn khổ quan hệ với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong 4 nước đối tác chiến lược, có hai đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc và Nga. Còn lại, Mỹ xác lập đối tác toàn diện với Việt Nam.

Trong số 13 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược kể từ năm 2001, có tới 5 nước xác lập quan hệ riêng trong năm nay. Tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và 13 nước đối tác chiến lược năm 2013 đạt 148 tỷ USD, chiếm gần 80 % tổng sản lượng xuất nhập khẩu. Riêng Nhật chiếm 30% viện trợ ODA cho Việt Nam, cam kết 1,4 tỷ USD viện trợ trong năm 2013. 

Ngoại giao Việt Nam đem lại kết quả cụ thể, lan tỏa

"Chưa có năm nào các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi hoặc lãnh đạo cấp cao các nước đến toàn bộ là các nước trong đối tác chiến lược toàn diện", ông Phạm Bình Minh nói và cho biết lãnh đạo các nước lớn trong năm qua đều có chuyến thăm cấp cao qua lại với Việt Nam.

Cụ thể, đó là các chuyến thăm qua lại nước nhau của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lần đầu tiên một thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau 7 năm. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, trong khi Tổng thống Hàn Park Geun-hye cũng chọn Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đến thăm kể từ khi nhậm chức. Bên cạnh đó còn có các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Anh, Italy và Liên minh Châu Âu (EU).

Bộ trưởng cho hay kết quả cụ thể của công tác đối ngoại được lan tỏa khi trong năm 2013, có gần 30 chuyến thăm của lãnh đạo các nước tới Việt Nam. Những chuyến thăm song phương thể hiện mức độ quan hệ về chính trị cao, đem lại những lợi ích về kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng.

Một kết quả nổi bật nữa của đối ngoại Việt Nam năm 2013 là hoạt động ngoại giao đa phương, giúp nâng vị thế lên tầm quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phát biểu quan trọng trên những diễn đàn quốc tế, với thông điệp lớn về phát triển, hòa bình và xây dựng lòng tin chiến lược. Theo Phó thủ tướng, nhờ tác động lan tỏa, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao tuyệt đối, và lần đầu tiên giữ chức chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Cũng trong năm 2013, Việt Nam cùng lúc đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do khu vực để nắm bắt xu thế liên kết khu vực, liên kết tiểu khu vực và liên kết trong các hình thức tự do thương mại.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, Việt Nam tăng dày, tôn tạo mốc giới trên hơn 2.000 km biên giới với Lào, hoàn thành gần 80% việc xây dựng các cột mốc biên giới với Campuchia. Với Trung Quốc, Việt Nam đang triển khai và thực hiện ba văn kiện hiệp định về quản lý biên giới.

Về tình hình Biển Đông, giai đoạn 2012 và đầu năm 2013 chứng kiến những diễn biến phức tạp do hành động ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển đặc quyền kinh tế hoặc ngư trường truyền thống. Tuy nhiên, trong năm 2013, tình hình ổn định hơn khi Việt Nam và các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu cùng Trung Quốc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Trọng tâm đối ngoại Việt Nam 2014

Về mục tiêu lớn của hoạt động đối ngoại năm 2014, Phó thủ tướng cho biết ngành ngoại giao sẽ tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, chuẩn bị cho xây dựng đường lối đối ngoại cho Đại hội XII. Trong năm tới, ngành phải triển khai cụ thể chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Về đường lối cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng thực sự hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Phó thủ tướng cho rằng phải có những biện pháp thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác chiến lược trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời vẫn chú trọng quan hệ với các nước khác. Bên cạnh đó, công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và bảo vệ công dân cũng sẽ được tiếp tục tăng cường.

Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959, làm chuyên viên Vụ Đào tạo (Bộ Ngoại giao) và trải qua quá trình hoạt động liên tục 30 năm trong ngành trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII năm 2011. Ngày 13/11/2013, ông được Quốc hội bầu làm Phó thủ tướng kiêm nhiệm chức bộ trưởng Ngoại giao.


Trọng Giáp

VNExpress

Việt Nam hoàn thành khuôn khổ quan hệ với các nước lớn - VnExpress

Tin liên quan


    © 2021 FAP
      3,695,245       1/571