Tiêu dùng

Mạng xã hội, chút thực ảo cuộc đời…

SGTT.VN - “Chuyện thâm cung bí sử của TT hay lắm. Đọc chưa? Vào “phây” đi”, vẻ mặt nghiêm trọng, T.D thì thào. Không nói quá, gần đây, vào mỗi buổi sáng, những tin bài hay và nóng của các thể loại, từ kinh tế, chính trị, đờn ca hát xướng… trong ngày của các báo, kể cả báo mạng đã được tải lên. Nhiều người tuyên bố: “Không thèm đọc báo nữa. Cứ lên “phây”, chuyện gì cũng có”.

Phây” tức Facebook (gọi tắt là Face) hôm nay không chỉ có những chủ đề đại sự. Có cả rao bán quần áo mới cũ các loại, xôi – chè – cháo, nước hoa, quần dài, quần lót, kem cạo râu, phim, những tô hủ tíu hay bún bò còn bốc khói, con cười con khóc kể cả con đái dầm, trận cầu giữa U23 Việt Nam thua U23 Singapore trong kỳ SEA Games lần thứ 27 với những lời bình loạn “đỏ mặt tía tai”… Nội dung trang Face trong một ngày của nhiều “công dân” như là một tờ báo “chính trị xã hội” thứ thiệt…

“Nhà Việt” – sớm nở tối tàn

Năm 2009 là thời điểm bùng nổ của mạng xã hội Việt, có thể kể tên: ZingMe, Tamtay, YuMe, Goonline, Kunkun, Go.vn… Trước đó vài ba năm, cũng đã có nhiều mạng xã hội của các nhà đầu tư trong nước xuất hiện như: ZoomBan, Yobanbe, FaceViet, VietSpace… Không ít tiền của đổ vào sân chơi mới với nhiều hy vọng mới. Không chỉ tạo ra sân chơi cho người dùng, nhất là giới trẻ, các nhà đầu tư nhìn ra cơ hội kiếm tiền trên mạng xã hội. Nhưng mạng xã hội Việt chỉ tồn tại, ầm ĩ trên mặt báo được vài năm, sau đó hoặc là biến mất, hoặc là “trùm mềm” thu từng đồng bạc lẻ từ những đứa trẻ mê game! Ông Phan Anh Tuấn, giám đốc dự án Go.vn không tiết lộ cụ thể số tiền đầu tư mà chỉ cho biết rất nhiều tiền được đổ vào đây. “Thu hồi hả? Hơi khó”, ông Tuấn cười.

Vào những ngày cuối năm 2013, mạng xã hội Việt không còn những phát ngôn “đại bác” như vài năm trước. Dù được kỳ vọng sẽ là “Face của Việt Nam” nhưng ZoomBan của VC Corp phải ngưng hoạt động vì nhà đầu tư không dám phiêu lưu vào cuộc chơi tốn kém mà tương lai chưa biết thế nào! Theo nhiều chuyên gia, cái chết của mạng xã hội Việt là do tính tham lam của các ông chủ, muốn “cái gì cũng có” mà thiếu những điểm nhấn quan trọng nên không thu hút được thành viên, từ đó không thể kiếm tiền. Hiện nhiều nhà đầu tư đang “đau đầu” giải quyết những thương vụ đầu tư vào đây. Ít, cũng chục tỉ đồng, còn nhiều phải đến năm bảy chục tỉ, nay đã trôi theo giấc mơ “sánh vai với Face, Twitter…”

Ở “nhà Tây” vui hơn

Bốn năm trước, những mạng xã hội “Tây” như Face, Twitter, Linkedln... xuất hiện tại Việt Nam một cách lặng lẽ. Vậy mà, “hữu xạ tự nhiên hương”, người dùng ùn ùn đăng ký. Không chỉ giới trẻ mà lớp “thất thập cổ lai hy” cũng là thành viên của nhiều mạng xã hội “Tây”. Trong một thống kê công bố hồi tháng 10.2013, ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội Tin học TP.HCM cho biết, tính đến tháng 8.2013, Việt Nam có khoảng 19,6 triệu người dùng Face, chiếm 71,4% số người dùng internet, là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới có tốc độ tăng trưởng sử dụng mạng xã hội này. Twitter, Twoo, Linkedln, Yahoo, Google+... cũng có người dùng nhưng số lượng không đáng kể. Theo ông Dũng, Twitter có khoảng 2 triệu tài khoản được kích hoạt nhưng chỉ “đăng ký rồi... để đó”. Nhiều người dùng nói rằng, Twitter, Twoo, Linkedln... sang trọng quá, không có tính “chợ búa” như Facebook nên ít người thích. Trong khi đó, ở các nước châu Âu, Mỹ..., Twitter, Linkedln lại được sử dụng nhiều hơn, chủ yếu là giới chính khách, kinh doanh, sinh viên, nghệ sĩ. Bà Thuỵ Minh (Bình Thạnh, TP.HCM), hiện đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam, cho rằng: “Thế giới của Twitter riêng tư hơn, không xô bồ. Trong khi đó, ở Face, tính kết nối cộng đồng cao hơn, dễ dùng, nên được nhiều dân Việt lựa chọn”.

Face ở Việt Nam

Trở lại câu chuyện của Face vì sao tác động nhanh đến người tiêu dùng. Tháng 6.2011, theo Google Ad Planner, Face chỉ có khoảng 3 triệu thành viên, chỉ bằng 50% ZingMe nhưng đến nay có gần 20 triệu tài khoản, một bất ngờ lớn không chỉ cho giới chuyên môn mà cả các cơ quan quản lý xã hội. Đã có lúc, công dân Face đồn rằng mạng xã hội này sẽ bị cấm, ít nhất là về mặt kỹ thuật! Dù chưa có một phát ngôn chính thức nào của chính quyền về việc cấm Face tại Việt Nam nhưng đâu đó, đôi lúc Face “chậm rì” đã làm nhiều người nản chí. Gần đây, không cần những công cụ “vượt rào”, việc truy cập Face dễ dàng hơn.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với 40 “công dân Face” làm nhiều ngành nghề khác nhau, từ sinh viên, viên chức, nhân viên doanh nghiệp, cho đến chuyên gia kỹ thuật, giáo viên. Hầu hết những người tham gia khảo sát đều cho rằng, Face hiện là công cụ hữu hiệu nhất để kết nối, tìm kiếm bạn bè, chia sẻ những cảm xúc (hay còn gọi là “tám”), thông tin cá nhân và xã hội để mọi người cùng biết, cùng cảm thông. Nguyenthuy@ cho rằng: “Cuộc sống ngày càng khốn khó, lương thấp, giá cả tăng... đã làm con người xuất hiện nhiều “tâm trạng”. Khi Face trở nên đại chúng, đây chính là nơi “xả stress”. Cũng nhờ Face mà tôi được quyền thảo luận, trình bày quan điểm cũng như nhận được ý kiến tư vấn từ những người có kinh nghiệm đi trước mà tôi không thể gặp trực tiếp”.

Với gần 20 triệu người dùng, Face không chỉ là nơi “tám” mà còn là mảnh đất sống của nhiều người. Hai năm trở lại đây, trên mạng xã hội này đã xuất hiện nhiều địa chỉ bán hàng. Ban đầu chỉ có bạn bè tham gia, sau mở rộng “vòng tay”, khách hàng nhiều hơn, tiền lời từ đó cũng nhiều hơn. Cứ đi làm, đi học bình thường nhưng smartphone (hay máy tính bảng) online 24/24, ai đặt hàng, cứ hẹn giờ, nhờ dịch vụ chuyển hàng. Có người thu nhập hơn cả lương khi đi làm. Có người, tiền lời từ bán hàng trên Face phụ thêm những khoản chi tiêu hàng ngày đang tăng chóng mặt. Vải rách đỡ nóng tay mà...

Những tiệm “tạp hoá” trên Face ngày càng dài ra. Có tiệm bán hàng. Có tiệm chỉ treo tấm biển để tạo “like”, thu hút càng nhiều “like” càng tốt. Những “đại siêu thị” cũng có mặt. Nghe đâu trong năm 2012, Face thu tiền quảng cáo từ thị trường Việt Nam khoảng 5 triệu USD. Khoản tiền này “bé như hạt cát” nhưng họ tin ở tương lai sẽ thu về gấp năm, gấp mười lần. Vì tin mà gần đây, Face có đại diện tại Việt Nam. Vị đại diện này đã xuất hiện, dù lặng lẽ, tại các hội nghị, hội thảo về mạng xã hội. Đi chậm, bước chắc!

Mua vui cũng được một vài trống canh...

Nhiều người “nghiện” mạng xã hội, vừa mở mắt đã vào Face xem có gì mới trong ngày, rồi “like”, rồi “comment”. Có người đọc báo mạng, thấy vấn đề gì nóng từ tối hôm qua, vội vã “cóp” về Face của mình. Có người ghiền món “tự sướng”, từ gương mặt mình cho đến món ăn sáng, mỗi ngày đưa lên vài lần ăn mới... ngon. Trungxxx@..., Lebaohoangdung@... còn hùng hồn tuyên bố: “Tuy là thế giới ảo nhưng Face lại có tác động mạnh tới mỗi cá nhân cả tích cực lẫn tiêu cực từ cảm xúc, suy nghĩ, lối sống, nhận thức...!” Không ít người, mỗi sáng phải có “status” đậm sắc chính trị mới chịu. Có status hay nhưng không ít status “nhảm địa” mà mục đích chính là “câu viu” để dùng vào chuyện khác, bán quảng cáo hoặc đánh bóng nhân hiệu. Khối người sống khoẻ vì những trò này trên Face.

Nhưng không ít người trẻ, sau khoảng dài háo hức với những điều mới lạ, nay từ từ “cai” Face. Có nhiều lý do để biện minh. Họ cho rằng, dần dần Face đã bắt đầu “nhảm”. Cái đáng đọc không còn nhiều. Thay vào đó, chuyên mục “hạnh phúc gia đình”, từ chuyện ăn gì, con khóc ra sao, con mọc răng sữa, ít thì còn “like” nhưng nhiều quá, lặp đi lặp lại, thành nhảm! Thanh.ma92@... nói rằng, trước mê Face nhưng nay chuyển sang Twitter vì tính riêng tư cao hơn, hầu như không ai nói chuyện vặt vãnh... Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc công ty an ninh mạng Athena, ngoài những mặt tích cực thì mạng xã hội còn là nơi bôi xấu, bài bác lẫn nhau. Hậu quả là có nhiều trường hợp tiêu cực như tự tử, chán nản... Che9x@... cho rằng, Face chỉ mua vui những lúc rảnh rỗi, đừng nên bàn chuyện đại sự vì rủi ro cao, nhiều người dòm ngó, chưa kể thông tin cá nhân sẽ bị rao bán. Còn danphuong@... thẳng thắn: “Có thể cho tôi lạc hậu nhưng tôi không có dùng bất kỳ mạng xã hội nào, kể cả Face. Mạng xã hội sẽ là thảm hoạ nếu dành quá nhiều thời gian cho nó, tốn thời gian cho những mối quan hệ ảo, mất đi những mối quan hệ thực”. Bao nhiêu bạn trẻ sẽ có suy nghĩ như danphuong?

Mạng xã hội đã trở thành công cụ giao tiếp mới. Không thể phủ nhận vai trò, đóng góp, tạo những sắc thái mới cho cuộc sống thời hiện đại của công cụ này. Thời bùng nổ của internet, smartphone nên tốc độ “lây lan” mạng xã hội đến với cộng đồng nhanh tới chóng mặt! Nhiều người dùng đã tuyên bố cai nghiện “net”, “fây”... nhưng cũng như ma tuý, lâu lâu lại “lên mạng”, chọt chọt rồi cười mãn nguyện. Trong cái sướng đó cũng có nhiều lúc khổ tê tái...

gia vinh 

ảnh: trần việt đức

sgtt.vn

© 2021 FAP
  99,350       1/508