Văn Quyết, Quang Hải... sẽ là những cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu trên đất nước Triều Tiên sau... 51 năm.
/TD> |
Những năm 1967-1968 cuộc chiến chống xâm lược ở nước ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, việc tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời không an toàn vì máy bay Mỹ. Trước tình hình ấy, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã đài thọ 100% chuyến tập huấn cho đội bóng Quân đội Việt Nam. Tháng 11-1967 Thể Công lên đường với trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh, HLV Nguyễn Văn Tiền và lứa cầu thủ trẻ: Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải... Hành trình chuyến đi hết sức bí mật, đoàn phải đóng giả một đội công nhân và đi bằng tàu hỏa qua Bắc Kinh, Liêu Ninh (biên giới Trung Quốc - Triều Tiên) rồi mới đến Bình Nhưỡng.
Khi ấy bóng đá Triều Tiên vừa gây chấn động toàn thế giới. Tại World Cup 1966 ở Anh, sau trận ra quân thua Liên Xô 0-3, các cầu thủ Triều Tiên đã xuất sắc cầm hòa Chile 1-1 và hạ gục Ý 1-0 để là 1 trong 8 đội mạnh nhất hành tinh. Tại tứ kết trước Bồ Đào Nha của huyền thoại Eusébio, đội bóng XHCN châu Á tiếp tục gây sửng sốt khi dẫn liền một mạch 3 bàn chỉ sau 25 phút, đáng tiếc đã thua ngược 3-5. Do đó so với Việt Nam, bóng đá Triều Tiên ngày ấy ở bậc thầy, không chỉ có thể lực ngang ngửa với các đội châu Âu mà lối đá rất tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên họ chỉ tạo điều kiện tập luyện còn từ chối hướng dẫn chúng ta. Dù vậy trong những trận giao hữu, Thể Công cũng nhiều lần được chạm trán với các tuyển thủ quốc gia Triều Tiên trong màu áo quân đội (hồi ấy April 25 bây giờ còn mang tên CLB thể thao 8-2, đến năm 1972 ngày thành lập Quân đội Triều Tiên mới được đổi thành 25-4), hay Bình Nhưỡng, Công nhân...
Sau 1 năm tập huấn, lứa cầu thủ Thể Công ấy trở về với lối chơi nhanh, ít chạm đánh bại cả đội 1 đàn anh và hầu như không có đối thủ, trở thành đội bóng mạnh nhất miền Bắc trong suốt nhiều năm sau đó (thắng cả tuyển Cuba 3-2). Và những cái tên vang bóng một thời Thế Anh, Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ... mãi mãi đi vào lịch sử. Hôm nay một lịch sử khác sẽ được thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm - những người ngày ấy tất cả đều chưa ra đời - viết tiếp?
Dương Cầm