Xuất hiện trở lại đấu trường Á vận hội kể từ Bangkok 1998, qua 5 kỳ Asiad thành tích cao nhất của bóng đá nam Việt Nam là vào vòng 1/8 tại 2 kỳ Asian Games gần nhất. Với việc bảng D của Olympic Việt Nam vẫn giữ nguyên 3 đối thủ: Nhật Bản, Pakistan, Nepal cùng lịch thi đấu thuận lợi, đồng thời có đến 4/6 đội hạng ba bảng đi tiếp, sẽ là rất khó chấp nhận nếu nhà á quân U.23 châu Á+3 không chí ít tái lập được thành tích của các đàn anh ở Quảng Châu 2010 và Incheon 2014.
Tuy nhiên, để vượt qua “cột mốc” này lại hoàn toàn không dễ với thầy trò HLV Park Hang Seo. Olympic Việt Nam nhắm tới mục tiêu kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhì sau Nhật Bản, nhưng khi ấy theo mã số đã định trước vào vòng 16 đội Việt Nam phải gặp đội nhất bảng E mà nhiều khả năng là Hàn Quốc. Đây thật sự là một thách thức lớn khi Hàn Quốc là ĐKVĐ Asiad và tại VCK U.23 châu Á hồi đầu năm tuy dừng bước ở bán kết (thua Uzbekistan 1-4) nhưng ở vòng bảng U.23 Hàn Quốc từng thắng Xuân Trường và đồng đội 2-1 trong thế trận hoàn toàn áp đảo. Hơn nữa đến Indonesia, đội tuyển xứ kim chi còn tăng cường thêm 3 cầu thủ trên 23 tuổi vừa dự World Cup 2018, trong đó có ngôi sao Tottenham Son Heung Min.
Ngay cả trường hợp tạo nên bất ngờ qua mặt Nhật Bản để đứng đầu bảng D, đối thủ ở vòng 1/8 của Olympic Việt Nam cũng rất xương xẩu khi sẽ là đội thứ 3 của bảng theo thứ tự là B, E hoặc F (có thể là Thái Lan, Qatar, Bahrain, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hay Iran).
Khá nghịch lý là trong trường hợp chỉ xếp thứ ba bảng, đối thủ ở vòng loại trực tiếp đầu tiên của thầy trò ông Park lại nhẹ hơn khi chỉ gặp có thể là đội nhất bảng A (nhiều khả năng là Indonesia) hoặc đội nhì bảng B (có thể là Uzbekistan hoặc Qatar), nhưng “tính toán” này quá phiêu lưu vì chưa biết chắc chúng ta có là 1 trong 4 đội hạng ba có thành tích tốt nhất hay không?
Trần Đỗ