Lối sống

Quang gánh mộng mơ và vết chai vô thức

SGTT.VN - Dù có ngồi máy lạnh, dù có nấu bếp gas và ngủ giường nệm, nhưng cảm giác một đôi quang gánh trên vai vẫn luôn hiện diện. Bạn loay hoay hoài mà không cách gì đặt nó xuống được. Vì sao?

Trong tuổi thơ nắc nẻ tiếng cười của mình, trò chơi bán hàng là phải cắt một đứa đảm nhận vai buôn gánh bán bưng. Trăm lần như một, bạn luôn được chỉ định đóng vai một cô bán chè mặc cái bà ba của nội dài tới gối. Để chuẩn bị, bạn lén mẹ lấy cho được hai cái rổ tre, anh trai bạn cột vào thành rổ bốn sợi dây chuối thật chắc rồi túm lại trên đầu cái gút cho đòn gánh luồn qua. Cũng anh bạn, chẻ một khúc tre khô ra làm sáu rồi vuốt hết góc cạnh, tạo hai khấc ở đầu để làm cái đòn gánh thật xứng với đôi vai bé nhỏ của bạn. Anh bạn là kiến trúc sư và thi công hầu hết các công trình tuổi thơ của anh em nhà bạn. Anh cất nhà chòi lợp lá chuối, anh bày chiến trường đánh trận giả, anh làm bập bênh bằng ván gỗ chưa dùng của nội. Khi có hứng thú, anh còn chẻ trúc làm một đôi quang gánh tí hon. Anh hay biến bạn thành một cô gái bán chè, một đầu gánh là nguyên nồi cơm nguội của nội, một đầu là lá chuối, là đường muối lọ hũ các kiểu để cân bằng trọng lượng với đầu kia. Anh bạn còn dặn, gánh chè đi bán phải rao cho lảnh lót, phải đánh đòng xa cho tà áo bà ba phất phất…

Bây giờ nhớ lại, bạn thấy băn khoăn: bất kể nặng nhọc hay nhẹ nhàng, hễ con gái, phụ nữ là phải đảm đương chức năng gánh gồng? Sự phân công đó là do ai? Do bạn yêu cái hình ảnh đàn bà tần tảo của chính mình khi trưởng thành nên xung phong diễn sớm? Hay đó là mặc định cuộc sống để bây giờ, dù không còn cái đòn gánh tre nào trên vai, đôi lúc bạn vẫn nghe nặng oằn trên vai biết bao lo lắng về kiếp người? Chiếc đòn gánh nào đã gánh tuổi thơ vô lo của bạn trên những trận cười nghiêng nắng hứng sao, trên những tầng mây lá chuối chấp chới. Còn chiếc đòn gánh nào cho bạn bây giờ khi mỗi sớm dắt xe đưa con đến trường rồi chạy vào công sở, bạn thấy cuộc sống sao mà lê thê bải hoải. Dù có ngồi máy lạnh, dù có nấu bếp gas và ngủ giường nệm, nhưng cảm giác một đôi quang gánh trên vai vẫn luôn hiện diện. Bạn loay hoay hoài mà không cách gì đặt nó xuống được. Vì sao? Bạn mà trả lời được thì đâu có chuyện thỉnh thoảng lại đưa tay sờ lên vai phải của mình, tìm một vết chai từ vô thức!

Từng có một thời gian dài, đôi quang gánh là thứ không thể thiếu trong nóc gia người Việt nào. Quang gánh lo chuyện đồng áng, theo mẹ ra chợ mua bánh mua rau, thậm chí ra đồng gánh phân bò phân trâu về ủ. Nông thôn bây giờ ít ai dùng gánh, mọi phương tiện đã dần được cơ giới hoá. Những đôi quang gánh bắt đầu một hành trình tưởng chừng phi lý là về phố. Gánh xuất hiện ở thành thị như một vật dụng trang trí tạo ra không khí cũ xưa quê mùa. Gánh đánh thẳng vào tiềm thức nguồn cội nông dân của rất nhiều người dân thị thành. Như lưới vó các kiểu, như cối xay bột bằng đá, như bánh xe bò xe ngựa, như áo bà ba cho mấy em phục vụ nhà hàng, đôi quang gánh vào thẳng nhà hàng, chễm chệ ở đường hoa. Quang gánh õng ẹo lên sân khấu, quang gánh ngẩn ngơ vào tranh vẽ. Những đôi quang gánh chưa bao giờ được nằm trên vai một chiếc bà ba hay một chiếc áo sờn vai thấm đẫm mồ hôi nào đó. Gánh phục vụ một mùa, một vụ rồi nằm trơ khấc lạc lõng giữa muôn vàn đồ vật hiện đại khác trong kho. Thậm chí, sau một mùa hoa tết, gánh có thể phải theo những chiếc xe rác, chạy ra ngoại thành…

Nhưng, ở thành thị, gánh cũng là phương tiện mưu sinh cho không ít người.

Mua một đôi gióng bằng kẽm giá gần 100.000 đồng, xin lại những chiếc giỏ tre của hàng bún để làm quang, bà Trần Thị Hoa vẫn ngày ngày mài bóng chiếc đòn gánh trên vai đi khắp các con đường khu vực phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú để mưu sinh. Một đầu gánh là dừa nạo, là nồi mạch nha, một đầu là bịch bánh đa bánh tráng, bà Hoa 60 tuổi, quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, không nhớ đã vào Sài Gòn mười mấy hay hai mươi năm. Chỉ biết cũng từng ấy năm, bà bán đúng một loại bánh tráng kéo mạch nha có rắc dừa bào sợi. Không có thứ bảy hay chủ nhật, sáng nào như sáng nấy, 6 giờ bà ra khỏi khu nhà trọ ở đường Lê Văn Quới gần ngã tư Bốn Xã để bắt đầu hành trình mưu sinh. Không tính được mỗi ngày đi qua bao nhiêu con đường, vừa đi vừa bán, cứ mỗi tiếng đồng hồ đi được khoảng 3km, 8 giờ tối thì về, hôm nào ế 10 giờ đến nhà trọ cũng không có gì lạ. Đôi chân bà lâu rồi không còn cảm giác mỏi, chỉ có những cơn đau, thương nó thì xoa chút dầu rồi ngủ. Những giấc ngủ vùi không mộng mị khi nằm xếp lớp với hơn chục người nữa trong một ngôi nhà thuê chung giá 150.000 đồng/người/tháng. Thỉnh thoảng trên đường đi, lọt vào tai vài giọng nói quê nhà chưa pha tạp âm sắc thị thành, thì bà nhớ con nhớ cháu. Bà có hai con trai, một anh hiện đang làm mướn ở Bình Dương để vợ và ba đứa con ở quê nhà. Người con trai thứ hai chưa vợ cũng làm thuê làm mướn lắt nhắt ở quê. Hai sào ruộng của gia đình thì con dâu làm lúa, thu nhập không thấm vào đâu. Bà và con trai lớn gồng mình làm, có được bao nhiêu thì gửi về quê nuôi cháu, nuôi con. Không có kế hoạch gì khác để thay đổi cuộc sống bạc mặt vì nắng gió và khói bụi, cũng không biết khi nào mình mới được nghỉ ngơi. Hỏi chồng đâu, bà trả lời mất rồi. Hỏi mất lâu chưa, bà nói khi thằng nhỏ ba tuổi và bây giờ nó đã 29. Hỏi vì sao mất, bà nói đi bộ đội ở Cam. “Thấy người ta về nhưng chồng mình thì không. Tôi không nghĩ ổng bị lạc đơn vị. Có quá nhiều người chết bên đó. Nếu lạc thì cũng đã bao nhiêu năm rồi còn gì, con người thì biết đường tìm về quê bản chứ…”

Ở phương diện trọng lượng, so với những gánh hàng rong khác, gánh của bà Hoa xem ra là nhẹ, vậy mà sau câu chuyện gia cảnh này, bạn nghĩ mình có gánh nổi nó không?

Quang gánh vẫn đầy ra trên đường sá Sài Gòn, có bao nhiêu gánh là bao nhiêu câu chuyện chất chứa trong nó. Bạn còn đồ rằng, miền Trung còn bão lụt thì Sài Gòn không lo gì vắng bóng đội quân gánh hàng đi bán rong. Từ bánh bèo bột lọc đến đậu hũ nước cốt dừa, từ bún xào đến bún riêu, từ khoai luộc chuối luộc đến bánh mì… Tuỳ theo sức lực, tuỳ địa bàn kinh doanh, những đôi quang gánh dường như đã có một cuộc phân công lớn để có mặt đều khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Đường Lý Chính Thắng đoạn từ Bà Huyện Thanh Quan đến Trương Định sáng sáng chị em sau khi mua đủ hàng hoá, tập trung về đây thu xếp cho gọn ghẽ vào đều hai thúng hai đầu đủ thứ món quà ăn vặt để tủa đi bán các quận nội thành… Phía trước dinh Thống Nhất, có một đội quân chuyên bán dừa tươi cho du khách cũng trên đôi quang gánh. Chắc chắn sẽ có nhiều người, khi quay về bản quốc, nhớ Việt Nam mát lịm qua hình ảnh của đôi quang gánh bán loại nước uống đặc trưng nhiệt đới này. Ngược về quận 3, quanh bệnh viện Mắt, sáng sáng có gần chục chị bán gánh hàng ăn sáng như bánh ướt, bánh bèo, bún xào… Những gánh hàng này lúc nào cũng lặc lè vì nặng. Thậm chí, như Mai, bán bún riêu canh bún, phải có chồng ở gần đó để bổ sung kịp thời bún, rau, nước lèo đang treo máng sẵn trên chiếc xe Wave. Hỏi sao không dùng xe đẩy cho đỡ nặng nhọc, hầu hết đều trả lời có gánh thì chạy công an mới nhanh. Trong trường hợp xấu nhất, mất một đôi gióng gánh và vật dụng mua bán trên đó là cái mất rẻ nhất. Mưu sinh có triết lý của mưu sinh, trả lời cho câu hỏi vì sao vẫn bám lấy đôi quang gánh trong cuộc sinh nhai của mình té ra lại đơn giản là công an, là trật tự đô thị, là bảo vệ bệnh viện. Chấm hết.

Chấm hết cho những mộng mơ về một đôi quang gánh!

trương gia hoà

ảnh: Trần việt đức

sgtt.vn

© 2021 FAP
  64,161       1/293